Công tác Tuyên giáo cần bám sát tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương

Thứ hai, 05/12/2016 17:04
(ĐCSVN) - Sáng 5/12, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Giao ban công tác Tuyên giáo 6 tháng cuối năm 2016 khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017. Đồng chí Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng (T26); đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo của 13 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh tại Hội nghị

Theo đánh giá của Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng: Công tác Tuyên giáo 6 tháng cuối năm 2016 tại các tỉnh, thành khu vực Miền Trung – Tây Nguyên đã có nhiều đổi mới về nội dung lẫn hình thức, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; giữ vững ổn định chính trị; tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Ban Tuyên giáo các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ, bám sát kế hoạch đề ra.

Ban Tuyên giáo các địa phương cũng đã tham mưu cho cấp ủy tổ chức tốt việc học tập, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII); tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII); chủ động tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị tại địa phương; chủ động nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời hướng dẫn tuyên truyền, định hướng tư tưởng các hoạt động, sự kiện lớn của địa phương, đất nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác Tuyên giáo cũng còn một số hạn chế như:: Việc đổi mới nội dung, phương thức công tác Tuyên giáo còn nhiều lúng túng; đôi khi còn thiếu sức thuyết phục, tính chiến đấu còn hạn chế; có lúc chưa chủ động trong việc dự báo các tình huống phức tạp có thể nảy sinh; nội dung và phương pháp đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa đa dạng; một số mặt công tác khoa giáo, văn hóa – văn nghệ chưa được quan tâm đúng mức….

Tại Hội nghị, các ý kiến góp ý đã tập trung phân tích những mặt được và chưa được, nguyên nhân hạn chế, yếu kém của công tác Tuyên giáo trong khu vực cũng như của từng địa phương thời gian qua; đồng thời kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương một số vấn đề như: Cần mở nhiều lớp tập huấn theo từng chuyên đề và từng lĩnh vực để Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành học tập, nhất là bồi dưỡng chuyên đề về công tác đấu tranh chống "diễn biến hòa bình"; cần có biện pháp phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí, tránh đưa thông tin sai lệch; cần có quy định thống nhất về hoạt động của Ban tuyên giáo cơ sở; cần sớm có hướng dẫn phụ cấp công vụ đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao làm công tác Tuyên giáo...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những kết quả đạt được trên các mặt của Ban tuyên giáo 13 tỉnh, thành phố trong khu vực; đồng thời chỉ rõ: Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để công tác Tuyên giáo phát triển sát với nhiệm vụ của từng địa phương; có sự phối hợp, kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa Ban Tuyên giáo địa phương với Ban Tuyên giáo Trung ương. Đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng đa dạng, sinh động, phù hợp với từng đối tượng, nội dung ngắn gọn, súc tích, bám sát tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đổi mới hơn nữa công tác chỉ đạo, định hướng chính trị trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị; thường xuyên bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Đổi mới học tập, triển khai nghị quyết bằng hình thức trực tuyến. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới./.

Tin, ảnh: Ánh Hồng (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực