“Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”

Thứ sáu, 01/04/2016 17:34
(ĐCSVN) - Trong phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 1/4 về tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015), các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh về những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường (Ảnh: KS)

Đề cập tới vấn đề an ninh quốc phòng, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong 5 năm qua (2011 - 2015) dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư các trang bị chiến lược, xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, cụ thể: Tập trung xây dựng thế trận các tỉnh, thành, trong đó ưu tiên xây dựng thế trận phòng thủ các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực, vật lực; tập trung nguồn lực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, tăng cường phòng thủ biển đảo. Đặc biệt, về tổ chức lực lượng trên biển, Chính phủ cần xây dựng các nghiệp đoàn có tàu lớn, lấy dân quân biển, dự bị động viên làm nòng cốt và cùng với các lực lượng xây dựng thế trận liên hoàn biển đảo để bảo vệ vững chắc trên biển. Đồng thời, tăng cường trang bị cho các đồn biên phòng ven biển, nhất là các loại tàu ở vùng khơi, vùng gần bờ.

Đồng quan điểm với đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, nhận định được nêu trong báo cáo của Chính phủ đã thể hiện được bước đột phá trong đổi mới tư duy, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất. Theo đại biểu, đất nước đang phải đối diện với cả ngoại xâm và nội xâm. “Chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việc xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Bây giờ chúng ta phải làm gì?”- ông Nghĩa đặt vấn đề.

Đại biểu nhấn mạnh vào hai cụm từ “quốc gia dân tộc” và “người dân” để nhận thức rằng, hàng ngàn năm qua ông cha ta giữ vững được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ vào bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, đại biểu bổ sung vào quan điểm phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào, bảo vệ độc lập chủ quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Trong thời gian tới, Việt Nam cần lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng giữa ta và bạn - thù. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước.

Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh nhắc lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”. “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”, đại biểu nhấn mạnh./.

                                                                     

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực