Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch: Cần nhưng lấy nguồn từ đâu?

Thứ ba, 14/03/2017 19:43
(ĐCSVN) – “Cách đây 10 năm, Luật Du lịch đã quy định hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhưng đến nay vẫn không lập được vì không có nguồn”.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên họp chiều ngày 14/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi).

(Ảnh minh họa. Ảnh: KS)

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày tại phiên họp cho thấy nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã được tiếp thu để chỉnh lý dự thảo luật.

Đồng tình với nhiều nội dung được giải trình tiếp thu, tại phiên họp, UBTVQH tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Về việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài...

Trong đó, về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, UBTVQH cho rằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được quy định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Quỹ hỗ trợ phát triển ra đời sẽ góp phần tích cực để giải quyết được khó khăn hiện nay của ngành du lịch. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, Quỹ sẽ huy động phần đóng góp của các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa và cùng với một phần ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành du lịch.

Trên cơ sở đó, UBTVQH quy định cụ thể về mục đích, nguyên tắc hoạt động, nguồn hình thành; về tổ chức và hoạt động của Quỹ cũng như Hội đồng quản lý Quỹ giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp nhiều ý kiến lo ngại về việc lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phân tích, theo dự thảo luật thì quỹ được hình thành từ 7 nguồn như: Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; Khoản thu trích từ phí thị thực nhập cảnh của khách du lịch; Khoản thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú; Khoản thu trích từ phí tham quan... . Ông lo ngại sẽ không phù hợp với nhiều luật khác, do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thận trọng, đảm bảo phù hợp với các luật.

Khẳng định quan điểm cần thành lập quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là tổ chức tài chính nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng. “Nếu là tổ chức tài chính nhà nước thì các hiệp hội không góp tiền vào đâu, có thành công hay không thì nhà nước chỉ góp vốn mồi vào thôi, còn phải huy động vốn của doanh nghiệp, hiệp hội lữ hành, những người hưởng lợi từ du lịch...” – ông phát biểu.

Ông cũng lo lắng khi dự luật không đề cập đến việc ai sẽ quản lý quỹ này?

Cũng về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị rồi nên phải tính toán để thực hiện chủ trương. Tuy vậy, phải quy định rõ, cụ thể là thuế hay phí, nếu trích thì trích bao nhiêu? Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nên có đánh giá tác động, dự kiến thu bao nhiêu, chi thế nào, sẽ phát triển của quỹ thế nào? “Chúng ta có khoảng 80 quỹ, trong đó chỉ có 50 quỹ hoạt động, vừa qua hoạt động của quỹ cũng phải chấn chỉnh lại, sợ quy định thế này thì lỏng lẻo quá sẽ gây khó khăn” – Phó Chủ tịch phát biểu.

Đồng tình với việc nên thành lập quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt thẳng thắn cho rằng “điều quan trọng là cần chia sẻ với quảng bá du lịch, không có quỹ không thúc đẩy được du lịch”.

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá việc thiết kế hình thành, sử dụng quỹ là chưa rõ, chưa đủ. Đồng thời nhấn mạnh lập quỹ là phải huy động ngoài ngân sách vào nhưng phải đồng bộ với các luật, không thể “đá” luật khác.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, xã hội hóa cao. Chính vì vậy điểm khó khi xây dựng luật là khi đưa ra những quy định cụ thể thì đều liên quan đến các luật khác, trong đó về quỹ thì liên quan đến luật ngân sách quy định.

Bộ trưởng cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là nguồn hình thành quỹ, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 200-300 tỷ, ngoài ra có nguồn xã hội hóa đóng góp của doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp không đóng góp thì phải nghĩ đến phí tham quan, khoản thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú... “Các nước khác quy định thì có hiệu lực còn ta nếu quy định thì mắc các luật khác. Cách đây 10 năm khi luật du lịch đã quy định hình thành quỹ rồi nhưng đến nay vẫn không được vì không có nguồn”- Bộ trưởng nêu vướng mắc.

Cũng trong chiều nay, UBTVQH đã xem xét, thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/7/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực