​Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp

Thứ năm, 11/10/2018 16:09
(ĐCSVN) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, cần tăng cường giám sát của 5 cơ quan liên quan theo hướng thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các vụ phức tạp; đồng thời phải có giám sát đột xuất từ các điểm nóng, có giám sát chuyên đề, tăng cường đối thoại…

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cơ sở.

Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP); Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương; Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì Hội nghị.


Các đại biểu ký kết chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết KNTC
ở cơ sở giai đoạn tiếp theo. (Ảnh:TH)

Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện ở cả Trung ương và địa phương, có thể kết luận, hai chương trình phối hợp trên đã phát huy được hiệu quả tích cực trong công tác nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thực hiện chương trình phối hợp này, tính đến hết 31/8/2018, toàn quốc có 61/63 tỉnh, thành đã ký kết và triển khai chương trình, còn 2 tỉnh chưa tổ chức ký kết và triển khai Chương trình phối hợp là Lâm Đồng, Vĩnh Long. Qua triển khai ở 61 tỉnh, thành phố đã từng bước giảm dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình ở địa phương; đồng thời, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.

Trong 5 năm qua, các bên đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định của pháp luật về giải quyết KNTC cho cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại và giải quyết KNTC. Cùng với đó, giải quyết tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý để tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc KNTC đúng pháp luật.

Ở cấp Trung ương, hàng năm, các bên lựa chọn các vụ việc KNTC có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; những vụ việc KNTC đã có kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục KNTC; các vụ việc phức tạp, oan sai, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài khiến người dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm mà không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt các vụ liên quan đến thu hồi, đền bù đất, “điểm nóng” để tiến hành giám sát. Kết quả đã tiến hành 8 đoàn giám sát liên ngành giám sát việc giải quyết các vụ việc KNTC, trong đó, đoàn giám sát đã có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đã nhận được văn bản phản hồi của các cơ quan.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Ở địa phương, các bên tham gia chương trình phối hợp tổ chức 187 đoàn giám sát. Thông qua hoạt động giám sát, các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở đã từng bước giảm dần; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình ở địa phương. Đồng thời, kết quả giám sát cũng góp phần giúp làm rõ hướng giải quyết cho các cấp, từ đó đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người dân.

Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân cũng được đẩy mạnh. Ở trụ sở tiếp dân Trung ương, đã có 758 lượt luật sư đã tư vấn cho 2.869 lượt công dân với hàng nghìn vụ việc KNTC, phản ánh, kiến nghị. Nhiều trường hợp công dân sau khi được tư vấn, giải thích về quy định của pháp luật, quyền và lợi ích của mình đã tự giác chấp hành việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chấm dứt KNTC. Tổng số vụ việc mà các luật sư, luật gia tư vấn miễn phí cho công dân thời gian qua (2015 – 2018) ở các địa phương là 45.613 vụ việc cho hơn 60.000 lượt người ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Một số địa phương thực hiện tốt công tác này như: An Giang, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Quảng Ninh, Nghệ An….

Việc triển khai quy định về tiếp công dân cần đổi mới cho phù hợp

Nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn trong thực tế. Đó là việc triển khai công tác giám sát ở một số địa phương còn chưa chủ động, mang tính hình thức; việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát còn lúng túng; phương pháp thực hiện còn đơn điệu, nhiều lúc chỉ thông qua báo cáo của các đơn vị được giám sát. Việc theo dõi kết quả, thông báo của đơn vị chủ thể đối với đối tượng được giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được chú ý. Một số địa phương, Mặt trận chưa tổ chức triển khai được đoàn giám sát mà mới chỉ tham gia các đoàn giám sát của chính quyền tỉnh như: Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Tiền Giang... Các vụ việc được lựa chọn để giám sát thường là vụ việc phức tạp, kéo dài nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn…

Trình bày báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, thời gian qua, tình hình khiếu kiện của công dân diễn biến phức tạp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)

Theo Tổng TTCP Lê Minh Khái, Luật Tiếp công dân hiện còn những quy định bất cập. Ví dụ, trách nhiệm tiếp công dân của các cấp chính quyền như: Chủ tịch xã tiếp 1 lần/tuần, huyện thì 2 tuần tiếp 1 lần; Chủ tịch tỉnh thì 1 tháng 1 lần, Bộ trưởng 1 tháng 1 lần.  Tổng TTCP nói: Như tôi là Tổng thanh tra nếu hôm nay mà đưa lên mạng là sẽ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương thì có khi không tiếp được. Trách nhiệm là đúng rồi, quy định là đúng rồi, nhưng cách làm thì phải nghiên cứu thêm cho phù hợp.. 

Tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tới đây việc lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; những vụ việc KNTC đã có kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục KNTC; những vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm nóng” để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết… cần phải có sự nghiên cứu, nắm bắt rõ ràng nội dung, quá trình giải quyết bởi tính chất phức tạp của vụ việc. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, ngành tư pháp cần nghiên cứu, thí điểm áp dụng các hình thức hòa giải, trọng tài bên cạnh các hình thức giải quyết KNTC theo Luật; giải quyết các vụ việc theo trình tự tư pháp hiện nay, khắc phục bế tắc, kéo dài, không có điểm dừng trong giải quyết các vụ việc. Rà soát toàn bộ những bất cập về chính sách là nguyên nhân dẫn đến KTTC, nhất là những quy định về đất đai, quy trình bồi thường, mức giá bồi thường hiện nay. Kiểm tra và xử lý trách nhiệm cán bộ không thực hiện trách nhiệm tiếp dân, giải quyết KNTC theo quy định.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, với những vụ kéo dài, phức tạp, nếu chuyển đơn qua lại thì không bao giờ giải quyết được, mà cần có sự phối hợp. Ví dụ, có thể tổ chức một cuộc đối thoại chung với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan, có sự đối chất, đối thoại. Như vậy vấn đề mới rõ và giải quyết sớm được.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh nhận định, KNTC là việc không thể tránh khỏi và sẽ ngày càng phức tạp. Chương trình phối hợp 5 bên đã góp phần làm giảm KNTC nhưng so với yêu cầu thì còn khiêm tốn, do đó cần có giải pháp mới. Có các đối tượng lợi dụng tình hình KNCT để chống phá, kích động gây rối loạn tình hình; vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này. “Giải quyết KNTC là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, iên đoàn chỉ tham gia góp sức. Phải đối thoại đến cùng với dân để tìm ra chân lý. Trong quá trình đó, giới luật sư tham gia để cùng giải quyết. Đối thoại thì phải  thực chất, không hình thức” - ông Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh:TH)

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp đã ký kết, Tổng TTCP Lê Minh Khái đề xuất tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan tiếp công dân tại trụ sở, nhằm tạo sự thống nhất, tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan. “Nếu tổ chức giám sát riêng rẽ thì không hiệu quả. Chính vì vậy, phối hợp để cùng nhau giám sát như thời gian qua với số lượng nhiều hơn, địa bàn trọng điểm hơn. Như vụ Thủ Thiêm, qua 20 năm giải quyết chưa dứt điểm. Vừa qua, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ trong 2 tháng phải có kết luận về việc quy hoạch, thu hồi, tái định cư của người dân Thủ Thiêm.... Và những việc này phải có sự tham gia phản biện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể” – Tổng TTCP nói.

Tăng cường phối hợp ngay từ cấp cơ sở

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, giải quyết KNTC là công việc khó khăn, phức tạp; giám sát và tìm cách nâng cao hiệu quả của công tác này cũng là một bài toán vô cùng khó cần sự chung sức của tất cả các cơ quan. Do đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức tham gia 02 Chương trình phối hợp này sẽ cùng nỗ lực, tích cực, chủ động hơn nữa để nâng cao hiệu quả triển khai các nội dung trên thực tế. Muốn thế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, Nhà nước và chương trình phối hợp để tạo sức lan tỏa.

“Các cơ quan cần phối hợp với nhau từ cơ sở để tránh việc mâu thuẫn, phát sinh ở cơ sở khiếu nại vượt cấp. Muốn thế, cần tăng cường giám sát của 5 cơ quan theo hướng thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, khoáng sản, tài nguyên,… Đồng thời phải có giám sát đột xuất từ các điểm nóng, thành lập đoàn đi xuống cơ sở đột xuất thì kết quả giám sát mới thu được kết quả” – đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý.

Cùng với đó phải có giám sát chuyên đề, giám sát trực tiếp những kết quả sau thanh tra; tăng cường đối thoại với nhân dân, giải quyết thấu tình hợp lý khiếu nại ngay từ cơ sở; tăng cường sự phối hợp cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương để tránh KNTC vượt cấp…

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã khen thưởng một số tập thể thực hiện tốt chương trình phối hợp. (Ảnh:TH)

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã Ký kết Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết KNTC ở cơ sở giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các bên tiếp tục tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; Chủ động tham gia phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân thông qua các biện pháp hòa giải, tuyên truyền, giáo dục, giải thích chính sách, pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở để phòng ngừa, hạn chế phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở…/.

Theo Tổng TTTCP Lê Minh Khái, trong 5 năm qua, khi thực hiện chương trình phối hợp, tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 72.601 lượt công dân đến trình bày 21.259 vụ việc, trong đó khiếu nại 13.491 việc, tố cáo 4.081 việc, kiến nghị và phản ánh 3.687 việc; có 2.023 lượt đoàn đông người. Trong đó, TTCP tiếp 70%; Ban Dân nguyện tiếp 20%; Văn phòng Chính phủ tiếp 5%; các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tiếp gần 4%. Việc chuyển đơn không đúng thẩm quyền, “lòng vòng” giữa các cơ quan đã được hạn chế tối đa. Đối với những trường hợp phức tạp, cán bộ các cơ quan trực tiếp trao đổi để có hướng xử lý thống nhất, đúng quy định của pháp luật.


Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực