4 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Thứ năm, 29/04/2010 09:36
(ĐCSVN) - Gần một tuần nay, mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận từ một đến hai bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn - một loại bệnh lây từ lợn sang người. Hiện có 4 bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây, trong đó 2 ca rất nặng phải thở bằng máy.

Thông tin trên được TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người diễn ra chiều 28/4 tại Hà Nội.

Theo TS. Kính, thông thường những người bị nhiễm liên cầu lợn có thể do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, thịt lợn ốm, thịt lợn chết chưa nấu chín. Người bệnh thường bị viêm màng não và nhiễm trùng huyết dễ dẫn tới sốc do nhiễm khuẩn. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.

Khi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, người nhiễm có thể có 1 trong 3 biểu hiện bệnh là viêm màng não mủ đơn thuần, nhiễm trùng huyết đơn thuần hoặc phối hợp cả hai loại. Với những trường hợp liên cầu khuẩn lợn gây ra thể bệnh phối hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết, người bệnh biểu hiện rất nặng nề, có thể dẫn đến sốc, xuất huyết dưới da từng mảng lớn, nhanh chóng dẫn đến đông máu, suy đa tạng và tử vong.

Vì thế, việc quan trọng là phải phát hiện bệnh sớm, kịp thời đến viện để được điều trị. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh có biểu hiện sốt cao, có thể tới 40 - 41 độ C kèm theo biểu hiện tiêu hoá là đi ngoài, hoặc thêm biểu hiện hội chứng viêm não, hội chứng hô hấp và đặc biệt là có những mảng xuất huyết hoại tử lớn dưới da. Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến viện ngay lập tức để được khám chữa kịp thời.

Cũng theo TS Kính, hiện bệnh chưa thành dịch. Các bệnh nhân mới chỉ rải rác ở các tỉnh đang có dịch tai xanh. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Hơn nữa, dịch lợn tai xanh đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành vì thế người dân cần rất cảnh giác, đề phòng bệnh.

TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, đây không phải là căn bệnh mới, trước kia cũng đã từng gặp và có báo cáo. Để phòng ngừa căn bệnh này, tốt nhất người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, tuyệt đối không giết mổ, tiêu thụ lợn có biểu hiện ốm, bệnh. Đồng thời, những người có vết thương ở chân, tay không được tham gia giết mổ lợn; sau khi tham gia giết mổ lợn phải rửa sạch tay bằng các loại dung dịch sát khuẩn; không tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm hoặc lợn chết; khi xử lý lợn ốm, lợn chết phải sử dụng trang bị phòng hộ: găng tay, ủng, khẩu trang...; không chế biến để ăn thịt lợn ốm, thịt lợn chết và thịt lợn không rõ nguồn gốc…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực