4 tháng, phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật

Thứ hai, 29/10/2018 18:47
(ĐCSVN) - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo thường ký Quý III của Bộ Tư pháp, chiều ngày 29/10 tại Hà Nội.

Ông Đỗ Đức Hiển cho biết: Trong Quý III và tháng 10/2018 cho thấy, Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), 9 đề nghị xây dựng VBQPPL; kiểm tra 1.074 văn bản của các bộ, ngành, địa phương. Bước đầu đã phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng thường xuyên đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Tính đến nay, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 114 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh; riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản chi tiết.

Ở các lĩnh vực công tác khác như hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm; bổ trợ tư pháp… ngành tư pháp cũng đã có nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển. (Ảnh: TH).

Trong thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành triển khai các luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Bộ Tư pháp đang tích cực chuẩn bị Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. Năm 2018, Ngày Pháp luật Việt Nam có chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật ,ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn bản”.

Liên quan đến vụ việc một người dân tại thành phố Cần Thơ bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng khi bán 100 đô la Mỹ tại tiệm vàng, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) cho hay, qua rà soát của Cục, căn cứ vào Nghị định 96/2014 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì mức xử phạt là đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, Khoản 3, Điều 24 quy định: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Ngoài ra còn có hình thức hình phạt bổ sung khác như tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định nói trên.

"Về trình tự thủ tục, hiện nay chúng tôi không có hồ sơ vụ việc nên không có cơ sở để đánh giá tính hợp pháp ", bà Phương nói.

Bà Phương cho biết thêm, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định trên theo hướng quy định mức xử phạt căn cứ trên số lượng và giá trị ngoại tệ.

Bên lề Kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp  Lê Thành Long đánh giá vụ người thợ điện đổi 100 đô la Mỹ bị phạt 90 triệu đồng là việc áp dụng pháp luật một cách máy móc.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, để không lặp lại những bất cập kể trên cần phải sửa đổi Nghị định 96./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực