Bảo đảm quản lý chất lượng rượu thủ công

Thứ sáu, 12/04/2019 15:41
​(ĐCSVN) – Các ý kiến cho rằng, thay vì hạn chế sản xuất rượu thủ công, thì nên tăng cường kiểm soát đăng ký và chất lượng đầu ra, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho người dân.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự thảo  Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương với 32 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, hầu hết các ý kiến nhất trí quy định các biện pháp quản lý rượu thủ công nhưng cần bảo đảm tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính; ý kiến khác đề nghị điều chỉnh với cá nhân, hộ gia đình nấu rượu để bán cho những người xung quanh; tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát và hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe. Tiếp thu ý kiến, Điều 12 và Điều 14 của dự thảo đã quy định về các phương thức quản lý rượu thủ công khác nhau theo các mục đích. Trong đó, quy định bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm là điều kiện xuyên suốt trong việc cấp phép kinh doanh và quản lý rượu, bia, bao gồm rượu thủ công. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Thường trực Ủy ban thấy rằng, quy định chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh trong điều kiện hiện nay là chưa hợp lý, khó khả thi, nên đề nghị giữ quy định như dự thảo.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, rượu thủ công hay không thủ công là vấn đề công nghệ. “Vấn đề là kiểm soát được chất lượng đầu ra của sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chứ đừng vội vã kết tội sản xuất thủ công. Nếu quy định cứng nhắc lại hạn chế sự sáng tạo, hạn chế tự do kinh doanh của người dân”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Mục tiêu cuối cùng của luật này là đảm bảo sức khoẻ nhân dân, quan trọng là quản lý đầu ra của rượu thủ công để bảo đảm chất lượng, không có độc, gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị không đẩy xa khoảng cách, gây ra sự chênh lệch giữa rượu công nghiệp và rượu thủ công, thay vào đó nên kiểm soát đăng ký và chất lượng đầu ra.

Ở khía cạnh khác, dẫn chứng hàng loạt những con số thu thập được ở các báo cáo, hội thảo về sự lãng phí lượng tiền bạc lớn bỏ ra mua rượu bia, những tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị, “Dự án Luật cần đưa ra những quy định, chế tài mang tính mạnh tay hơn nữa để giảm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền chính xác, khoa học, khách quan, đầy đủ về phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai, thanh niên...Theo đó, thay đổi hành vi tiêu dùng, sử dụng rượu, bia; nâng cao văn hóa trong sử dụng rượu, bia tại cộng đồng, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, đồng thời phù hợp với thực tiễn của nước ta./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực