Bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể

Thứ bảy, 18/03/2017 19:48
(ĐCSVN) - Ngày 17/3, tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Hội nghị tổng kết Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp,
triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (Ảnh: chinhphu.vn)

Thực hiện chủ trương “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, gắn với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. 

Sau hơn 4 năm thực hiện, với sự nỗ lực và nhiều sáng kiến, cách làm mới, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn. Nổi bật, độ che phủ rừng liên tục tăng hàng năm, từ 39,7% năm 2011 lên 41,19% năm 2016; năng suất và chất lượng rừng từng bước được cải thiện; công tác trồng rừng được các địa phương triển khai rất tích cực, hàng năm, bình quân cả nước trồng được 223 nghìn ha rừng tập trung; Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 6,6%/năm so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng, gấp 1,7 lần trong vòng 5 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 7,3 tỷ USD năm 2016; Việt Nam đã trở thành một trong 5 nước hàng đầu trên thế giới về chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại.

Các cơ chế chính sách từng bước được bổ sung, sửa đổi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng: hàng năm, cả nước thu được trên 1.200 tỷ đồng/năm, góp phần chi trả cho trên 5,0 triệu ha rừng.


 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm lâm nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ cụ thể trước mắt là khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là ban hành, thực thi các sáng kiến tài chính mới để tạo thêm nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp, cụ thể như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở công nghiệp, du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản, bồi hoàn giá trị hệ sinh thái rừng. 

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là phải nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện việc rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, xác định rõ lâm phận ổn định. Gắn quy hoạch phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Cả nước, mỗi địa phương phải xác định các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực để tập trung bảo vệ, phát triển, đầu tư một cách bền vững. 

Bảo đảm bố trí đủ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế-xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân.  “Giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến”, Phó Thủ tướng nói. 

Việc tổ chức sản xuất lâm nghiệp phải được thực hiện theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế. “Doanh nghiệp tạo đầu vào cho người dân, liên hết, hỗ trợ người dân, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp, do đó họ phải được đặt vào vai trò trung tâm của liên kết chuỗi sản xuất”, Phó Thủ tướng nói. 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai hiệu quả, chặt chẽ việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện, hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hiệp định chung với EU và các hiệp định song phương với các nước có tiềm năng để mở cửa thị trường cho thương mại, xuất nhập khẩu lâm sản. 

“Đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, nhưng phải luôn lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm ngành lâm nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Một yêu cầu quan trọng khác cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ, phát triển rừng./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực