Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 25 năm - vững trụ cột an sinh

Thứ bảy, 15/02/2020 19:46
(ĐCSVN) - Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu - chi BHXH, giải quyết chế độ chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển an sinh xã hội bền vững, ổn định đời sống của Nhân dân.

Lan tỏa giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển (16/2/1995-16/2/2020), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CCVC), BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TL) 

Ngành BHXH luôn chủ động, tích cực tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện nhiều dự Luật quan trọng trình Quốc hội thông qua, làm hành lang pháp lý cho việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT như: Luật BHXH, Luật BHYT; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động...

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện. Chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ CCVC Nhà nước với hình thức bắt buộc, đã được mở rộng và thực hiện cho mọi người lao động (NLĐ) theo hai hình thức: BHXH bắt buộc đối với NLĐ có quan hệ lao động theo quy định và BHXH tự nguyện đối với NLĐ làm việc tự do, lao động là nông - lâm - ngư nghiệp, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH…. Chính sách BHYT liên tục được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng công bằng, hiệu quả, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe của người dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành BHXH, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT 25 năm qua có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đã và đang tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân về giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, góp phần tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng.

Song song với đó, công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng luôn được BHXH Việt Nam tích cực, chủ động triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể: Số người tham gia BHXH đến hết năm 2019 là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574 nghìn người; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300 nghìn người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ kể từ năm 2008-2018. Số người tham gia BH thất nghiệp là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 85,945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. (Trong khi đó, theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân như thành tựu chúng ta đã đạt được, nước bạn phải mất lộ trình triển khai từ 40 đến 80 năm).

Đi đôi với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng liên tục tăng theo thời gian. Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn Ngành đạt 242.982 tỷ đồng (tăng gần 312 lần so với năm 1995); thu BHXH tự nguyện đạt 2.379 tỷ đồng (tăng 216 lần so với năm 2008); thu BHTN đạt 17.405 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 4,95 lần so với năm 2009); thu BHYT đạt 104.807 tỷ đồng (tăng 49,6 lần so với năm 2004). Điều này khẳng định, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn lao động, hàng triệu người dân được thụ hưởng các quyền lợi an sinh cơ bản nhất theo quy định của Hiến pháp thông qua các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Xác định việc bảo đảm tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ là hết sức quan trọng, ngành BHXH đã chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần quan trọng đưa số nợ BHXH năm 2019 xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển Ngành. Con số này đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ các quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ.

Đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người thụ hưởng

Đến nay, toàn Ngành luôn đảm bảo việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ được kịp thời, đúng quy định. Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2019, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người); từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995).

 Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. (Ảnh: TL)

Từ năm 2003 đến 2019, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 1.924 triệu lượt người. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm: Nếu như năm 2000 mới chỉ có 28,1 triệu lượt người KCB BHYT,thì đến năm 2019 đã là trên 186 triệu lượt người.Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng số lượt KCB BHYT khoảng 28%, thì đến giai đoạn 2015-2019,đã đạt 43%.

Qua 25 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, trong hành trình ¼ thế kỷ, ngành BHXH đã nỗ lực không ngừng để tạo nên những dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp dần hoàn thiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng; khẳng định được vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Công tác quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt là chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng, đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng"; phương thức hoạt động của hệ thống ngành BHXHđược đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời giangiải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và Nhân dân.

Xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả

Đến nay, sau 25 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, toàn Ngành BHXH đã có gần 21.000 CCVC, với mạng lưới rộng lớn phủ khắp các quận, huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố; đang từng ngày, từng giờ phục vụ gần 16 triệu người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, gần 86 triệu người tham gia BHYT.

 Việc ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam đã giúp công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội và Ngành. (Ảnh: TL)

Đặc biệt ngành BHXH rất coi trọng công tác cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Ngành đã chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ nhằm hài lòng tổ chức và cá nhân tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT.

Riêng thủ tục hành chính (TTHC) trong giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT đã được cải tiến, rút gọn (từ 263 TTHC năm 2012 xuống còn 27 TTHC năm 2019). Trên 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng Internet; thời gian thực hiện TTHC trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm).

Có thể nói, ứng dụng CNTT của Ngành được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn từ năm 2015, đã từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Và đến nay đã đạt được các kết quả ấn tượng như: xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn Ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT; đã cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH, là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 100% cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc;… Đặc biệt, trong năm 2019, ngành BHXH đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, trong 25 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Năm 2000 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2004 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2009 được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy những thành tựu đã đạt được qua 25 năm xây dựng và phát triển, tập thể công chức viên chức ngành BHXH nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực