Bất cập trong tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh

Thứ hai, 06/02/2017 09:22
Khám sức khỏe định kỳ là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động y tế học đường, giúp cơ quan y tế, nhà trường và gia đình nắm được tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm những nguy cơ, từ đó có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho học sinh một cách phù hợp và hiệu quả. Tại Hà Nội, công tác này vẫn còn những bất cập cần khắc phục.

Khám sức khỏe định kỳ cho học sinh tại Trường THCS Bế Văn Ðàn, quận Ðống Ða, Hà Nội. 
Ảnh: Trần Hải

Tại Hà Nội, việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đã được thực hiện nhiều năm qua. Nhờ đó, nhiều học sinh đã được phát hiện bệnh sớm, có hướng điều trị phù hợp và được nhà trường theo dõi, phối hợp chăm sóc. Thế nhưng, tình trạng triển khai khám chậm vẫn diễn ra. Theo Kế hoạch 56/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai công tác y tế học đường năm học 2016-2017, tất cả các trường mầm non, phổ thông tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Tuy nhiên, gần hết học kỳ một, nhiều trường vẫn chưa thực hiện. Chẳng hạn như tại quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ, một số trường (trung bình mỗi trường khoảng 1.500 học sinh) lên lịch khám dự kiến muộn nhất là tháng 2-2017.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Ðông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) Nguyễn Thị Thúy Minh cho biết, lịch khám của trường được gửi cho Trung tâm y tế quận từ đầu năm học, nhưng vì Trung tâm bận việc chuyên môn, chống dịch, cho nên, cuối tháng 12-2016, học sinh toàn trường mới được khám sức khỏe. Việc chậm khám sức khỏe có thể ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh. Một giáo viên trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, nhà trường rất cần biết tình trạng sức khỏe của học sinh, nhất là những học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 6, để có chế độ ăn, học tập, rèn luyện thể dục phù hợp. Nhiều cha mẹ học sinh không hề biết con mình mắc bệnh, hoặc biết nhưng không báo cho thầy giáo, cô giáo, khiến nhà trường rất bị động trong theo dõi sức khỏe học sinh. Ðã từng có học sinh lên cơn hen bất ngờ trên lớp khiến nhà trường rất lúng túng.

Kết quả khám sức khỏe của một trường tại quận Ðống Ða trong tháng 11 vừa qua cho thấy, có chín học sinh được phát hiện bị bệnh về tim mạch, 17 học sinh bị hen, nhiều học sinh bị cận thị... Như vậy, từ đầu năm học đến khi khám là khoảng trống trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường. Trong khoảng thời gian đó, nhà trường không có đầy đủ hồ sơ để kịp thời quan tâm, theo dõi sức khỏe học sinh. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì của học sinh sẽ giúp nhà trường có kế hoạch phối hợp với gia đình chăm sóc trẻ hiệu quả hơn. Trong khi đó, tật khúc xạ, bệnh răng miệng, các bệnh tim mạch mà cụ thể là suy tim, thấp tim, hở van tim; các rối loạn cơ xương khớp, các bệnh về hô hấp như hen, các rối loạn tâm thần... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh, cần xây dựng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp và kế hoạch phòng, chống, tư vấn, điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Phần lớn các trường thường chú trọng ký hợp đồng khám sức khỏe với các trung tâm y tế trên địa bàn, và mất khoảng hai đến ba tháng mới khám hết số học sinh trên địa bàn đó. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDÐT, nhà trường không nhất thiết ký hợp đồng khám với trung tâm y tế mà có thể phối hợp bất kỳ cơ sở y tế nào đủ điều kiện để tổ chức khám chuyên khoa cho học sinh. Một số trường hiện chưa nắm được hướng dẫn này, do đó, vẫn chỉ ký hợp đồng khám sức khỏe với trung tâm y tế quận. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh chưa được khám sức khỏe kịp thời đầu năm học.

Chưa kể, do áp lực về thời gian hoàn thành khám sức khỏe cho học sinh trên cả địa bàn, một số trung tâm y tế còn khám qua loa, không bảo đảm chất lượng. Một cán bộ y tế của trường THPT trên địa bàn quận Ðống Ða cho biết, mỗi buổi, đoàn khám cho khoảng sáu trăm học sinh, mỗi trường khám trong khoảng hai ngày, nên không thể có thời gian tư vấn cho các cháu. Ngay cả việc đơn giản như đo chiều cao cũng khó chính xác do cán bộ y tế nhiều lúc vội vàng, chạy đua với thời gian. Tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ hiện nay rất nhiều, cần được phát hiện sớm và tư vấn kỹ lưỡng từ việc nên dùng đèn học loại gì, đeo kính số nào phù hợp; nếu để các học sinh học tập một thời gian dài rồi mới khám thì tình trạng bệnh đã có thể nặng lên rất nhiều...

Thanh Quý/Báo Nhân Dân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực