Bế mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hình thức trực tuyến
Thứ tư, 25/03/2020 14:23
(ĐCSVN) -​ Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần theo dõi, nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để có những đề xuất kịp thời, hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 25/3, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau hơn hai ngày làm việc.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp sáng 25/3 (Ảnh: Quang Khánh) 

Tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trực tuyến

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu các nội dung trình tại phiên họp; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban đã tích cực thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hiệu quả hơn; Văn phòng Quốc hội đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện bảo đảm Phiên họp diễn ra an toàn trong thời điểm dịch bệnh COVID -19 đang có những diễn biến phức tạp.

Để lấy ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới, trong tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hình thức trực tuyến thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính bảng đã trang bị cho đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện và gửi tài liệu của 5 dự án Luật sẽ thảo luận tại Hội nghị gồm: dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội để các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham gia Hội nghị. Văn phòng Quốc hội phải chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm trang thiết bị, đường truyền và kịp thời hướng dẫn cách thức tham gia cho các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Phiên họp thứ 44 (tháng 4/2020) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến có khá nhiều nội dung quan trọng, cần được các cơ quan tích cực chuẩn bị. Vừa qua, Chính phủ có đề nghị bổ sung một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ xem xét kỹ lưỡng về tính cấp thiết và khả năng chuẩn bị các nội dung này trong bối cảnh thực tế hiện nay, nhất là tình hình dịch bệnh để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc bổ sung. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức họp, thảo luận trực tuyến để bảo đảm vừa thực hiện tốt kế hoạch công tác vừa nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh COVID– 19.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đến đầu tháng 4 nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải xem xét, thảo luận, quyết định về thời gian tổ chức Kỳ họp thứ Chín.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương rà soát tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam hoặc người Việt Nam trở về từ nước ngoài đang lưu trú, sinh sống trên địa bàn, nắm chắc từng trường hợp để ngăn chặn việc lây lan cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những ngày gần đây, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thời gian tới cần thực hiện tốt các quy định pháp luật, theo dõi và chấp hành đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID - 19, các khuyến cáo của ngành y tế; hạn chế ra đường, tuân thủ việc không tập trung đông người, phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy nhà nước; các bộ, ngành, địa phương một mặt phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; một mặt phải khẩn trương điều chỉnh phương pháp làm việc cho phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, phục vụ nhân dân qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế các cuộc họp, làm việc đông người.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vẫn phải thực hiện các giải pháp để ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm ngập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ với tình hình khó khăn của người dân hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời điểm này rất cần sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, bảo đảm tình hình đất nước ổn định, chăm lo đời sống Nhân dân.

Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần theo dõi, nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để có những đề xuất kịp thời, hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư của người dân, không để đình trệ, kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật, chuyển đơn thông báo trả lời hay xử lý theo thẩm quyền.

Ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Trước khi bế mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, trong đó, xác định nhiệm vụ biên phòng là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia…; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia”.

Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm mới chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng. Thực tế cũng cho thấy, việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Do đó, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới, đặc biệt khi nước ta là quốc gia có đường biên giới trải dài trên đất liền.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự luật; tính thống nhất của dự luật với các luật có liên quan; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối với lực lượng bộ đội biên phòng.../.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực