BHXH VN khẳng định vị trí quan trọng đảm bảo an sinh xã hội

Thứ sáu, 15/02/2019 20:37
(ĐCSVN) - Với vai trò là trụ cột chính, quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) chính là góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững…

Trong suốt 24 năm xây dựng và phát triển (16/02/1995 -16/02/2019), với chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đặc biệt, Ngành đã khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Một trong những thành tích góp sức vào quá trình hình thành và phát triển của Ngành trong 24 năm qua được thể hiện bằng những con số ấn tượng trong năm 2018.

Năm 2018, toàn Ngành BHXH tiếp tục nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,72 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về Quỹ BHXH, BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.

Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT cũng được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BHTN với tổng số tiền chi trả lên tới gần 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho 3,1 triệu người nghỉ hưu, cũng như tạo cơ hội được chăm sóc y tế cho hàng triệu người mắc các bệnh nan y với mức chi phí điều trị y tế của mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí rất nhiều người được BHYT thanh toán hàng tỷ đồng mỗi năm.

Quỹ BHYT đã chi trả tiền khám, chữa bệnh cho mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng,
thậm chí là hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: ĐT

Việc bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT đã góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc cho hơn 92 triệu người với trên 24 triệu hộ gia đình. Sau khi rà soát, đến nay đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, quản lý tập trung thống nhất trong cả nước.

Xác định mục tiêu Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ đề trọng tâm và xuyên suốt. Năm 2018, toàn Ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các mảng hoạt động nghiệp vụ của Ngành. Cụ thể, hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ với tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 47,72 triệu hồ sơ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), BHXH Việt Nam thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành. Những hoạt động này đã mang lại kết quả rõ rệt. Cụ thể, nếu năm 2011, số TTHC của ngành là 263 thủ tục, thì đến năm 2016 đã cắt giảm còn 32 thủ tục và đến nay chỉ còn 28 thủ tục. Nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Với những kết quả đạt được nêu trên, theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với báo cáo năm 2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190. Hai năm liền, ngành BHXH giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT dành cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Đặc biệt, tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với BHXH Việt Nam mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 05 vấn đề tới BHXH Việt Nam, đặc biệt là đánh giá cao về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách của Ngành BHXH, tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan BHXH và người dân được hưởng các chế độ.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ khách hàng BHXH Việt Nam đang tư vấn cho người tham gia BHXH
về chế độ, chính sách liên quan đến BHXH qua internet. Ảnh: H.A

Năm 2018, một trong những sự kiện nổi bật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) được ghi dấu khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về Cải cách chính sách BHXH. Những định hướng cải cách chính sách tại Nghị quyết hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều bứt phá trong năm nay.

Nghị quyết 28 với 11 nội dung cải cách, là định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật BHXH và 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm từng bước đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn. Đây là những thuận lợi hết sức cơ bản cho việc hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Với những mục tiêu phát triển đã được quán triệt thực hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW: Mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với BHTN phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030 – đây là những thách thức vô cùng lớn khi mà việc khai thác, mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH của chúng ta còn rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh số người tham gia BHXH hằng năm tuy có tăng nhưng tương ứng với đó là số người rút khỏi hệ thống (hưởng trợ cấp BHXH một lần) cũng không hề nhỏ; tình trạng trốn đóng BHXH tại khu vực tham gia BHXH bắt buộc vẫn còn và chưa được giải quyết triệt để; chính sách BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ đóng rất thấp, thời gian tham gia dài chưa thực sự hấp dẫn,…

Nghị quyết 28 đặt ra mục tiêu thiết kế chính sách BHXH theo hướng đa tầng, với mục tiêu các tầng chính sách sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân. Cụ thể, tầng đầu tiên sẽ là trợ cấp hưu trí xã hội, bằng cách ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Tầng tiếp theo đó là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tầng cuối cùng là bảo hiểm hưu trí bổ sung, hay nói cách khác là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu.

Có thể nói, với mục tiêu xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, trong năm 2018, toàn Ngành BHXH đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Bước sang năm 2019, năm bản lề để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 28, thời cơ thuận lợi có nhiều nhưng khó khăn thách thức cũng không ít, kỳ vọng BHXH Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu mới trong việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT./.

Thanh Hoa- Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực