"Biên chế cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách"

Thứ hai, 12/06/2017 16:00
(ĐCSVN) – “…Biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu như vậy khi giải trình thêm tại phiên thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 sáng 12/6.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu.
Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Chính phủ trình về cơ bản là đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn và đánh giá cao, thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Kiểm toán nhà nước cũng như nhiều vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Qua quyết toán cho thấy, mặc dù quản lý ngân sách nhà nước đã có nhiều tiến bộ, song việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém xảy ra ở nhiều bộ, ngành và địa phương.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) phát biểu: Thu ngân sách nhà nước tăng hơn 87 ngàn tỷ đồng so với dự toán thu nhưng lại tăng chủ yếu từ ngân sách địa phương là 83.700 tỷ đồng. Việc tăng thu chủ yếu từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, một nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực phát triển của tình trạng này. Tình trạng này đã xảy ra suốt một giai đoạn dài từ năm 2011-2015. Nguyên nhân của vấn đề trên theo như báo cáo kiểm toán là do một số địa phương khi lập dự toán thu đã ước tính thực hiện năm 2014 thấp hơn khả năng thực hiện, dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn.

Theo đại biểu, vấn đề đặt ra là các địa phương tăng thu nhưng việc thu hồi vốn ứng trước dự toán năm 2015 hơn 79 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn này qua nhiều năm chưa được thu hồi và việc ứng trước dự toán chưa bảo đảm tuân thủ đúng nghị quyết của Quốc hội, đó là việc điều hành chi ngân sách theo dự toán được giao không cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau.

Đại biểu đánh giá, báo cáo chưa nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm để tồn tại trên kéo dài, không đúng nghị quyết Quốc hội giao cho Chính phủ tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại mà Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Kiểm toán nhà nước kiến nghị và ý kiến của đại biểu Quốc hội. “Khi lập dự toán thu ngân sách đã không phản ánh hết nguồn thu của một số địa phương nhưng quá trình thảo luận, thẩm định để tham mưu trình lập dự toán liệu cán bộ chuyên môn có biết không, có đồng tình vấn đề báo cáo của các địa phương hay không hay có sự đồng tình với báo cáo không chính xác này? Cần làm rõ để ngăn chặn các tồn tại trên ở các năm tiếp theo” – đại biểu đặt câu hỏi.

Cũng bàn kỷ luật ngân sách, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra những vấn đề nổi cộm như chuyển nguồn lớn, ứng trước và thu hồi vốn đối ứng không đúng quy định... vẫn diễn ra. Kết quả thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị đều tăng thu ngân sách ở các mức độ khác nhau, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA bất cập, kéo dài, yếu kém, Quốc hội đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được khắc phục.

Theo đại biểu, nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm; Quốc hội đã có điều quy định trong nghị quyết là đề nghị Chính phủ tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm. Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc cần có một nghị quyết để triển khai nghị quyết của Quốc hội và giao cho một cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ sai phạm mà xử lý vi phạm.

Đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đề nghị, báo cáo giải trình rõ hơn việc dự toán thu thường thấp mà vượt thu thì rất lớn. “Ở đây có vấn đề gì trong việc dự toán thu không? Đặc biệt là việc tăng thu đột biến, có những khoản thu tăng tới 121% so với dự toán. Ở đây có đặt vấn đề về năng lực lập dự toán thu không sát hay còn nguyên nhân nào khác cũng chưa được báo cáo làm rõ” – đại biểu phát biểu.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu chỉ ra là quản lý các nguồn thu chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc bán hàng qua mạng, cách thức tính thuế chưa đầy đủ, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế sở hữu tài sản, quản lý tài sản còn nhiều quy định lỏng lẻo, dẫn đến thất thu thuế. Thị trường bán lẻ hàng hóa chưa có biện pháp để quản lý tốt doanh thu, từ đó cách thức tính thuế không sát, bán hàng không hóa đơn, chứng từ mua bán. Đặc biệt, trong thị trường bán lẻ hàng hóa, một số khoản thu nhập từ các doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự công khai và minh bạch trong dự toán, trong thu làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Đại biểu dẫn chứng: “Công ty thủy điện Hòa Bình thời gian gần đây, mỗi năm sản xuất khoảng 10 tỷ kw/h, doanh thu khoảng 12 ngàn tỷ. Nhưng do việc hạch toán phụ thuộc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên chỉ nộp thuế tại Hòa Bình khoảng 1.000 tỷ, chi phí sản xuất khoảng 3,600 tỷ, còn từ 5 - 7 ngàn tỷ chuyển về cho tập đoàn. Rõ ràng nếu chuyển về phương án hạch toán độc lập công ty này sẽ phải nộp thuế tại Hòa Bình khoảng 2.000 tỷ, nộp ngân sách từ 5 - 7 ngàn tỷ sau khi trừ toàn bộ chi phí, quỹ và các khoản chi cho phát sinh sản xuất khác. Vì vậy, đoàn Hòa Bình đã có đề xuất với Chính phủ cần tính toán và có lộ trình để tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, hạch toán độc lập đối với Công ty thủy điện Hòa Bình, như vậy mỗi năm ngân sách sẽ thu thêm khoảng 5 - 7 ngàn tỷ”.

Về chi ngân sách, đại biểu chỉ ra định mức chi của nhiều quy định khá lạc hậu, chậm được điều chỉnh nên tình trạng vi phạm khá phổ biến lách luật, nhiều kiểu khác nhau, từ mua sắm ô tô, công tác phí, chi tiếp khách và các khoản chi khác. Việc ban hành chính sách về thu nhập cho người lao động, cho các đối tượng cán bộ, công chức, quản lý doanh nghiệp, công chức trung ương, công chức địa phương, công chức xã, phường, tạo ra tâm tư, suy nghĩ giữa các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là các loại trợ cấp, phụ cấp không chính thức hệ số lương của một số ngành. Một số chế độ, chính sách lớn được ban hành để giảm mục tiêu, giảm chi tăng cường năng lực quản lý của nhà nước, tuy nhiên không đi vào cuộc sống, thậm chí đang bị lợi dụng. Ví dụ, chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Đại biểu phát biểu: “Theo báo cáo của Chính phủ và một số ý kiến của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền thì trong thời gian vừa qua, chúng ta thực hiện quyết liệt về tinh giản biên chế, nhưng không giảm mà tăng trên 5%. Việc thực hiện khoán chi, khoán chế độ cho một số chức danh cũng thực hiện hết sức nửa vời, do đó chủ trương, chính sách sẽ không được thực hiện một cách nghiêm túc. Thủ tục chi hành chính, thủ tục quản lý, chi lòng vòng nhưng không thực sự hiệu quả, thanh quyết toán nhiều thủ tục rườm rà, nhiều chứng từ nhưng không đảm bảo quản lý tốt ngân sách và không tiết kiệm được đồng nào đúng nghĩa”.

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Mấy năm vừa qua, vấn đề bội chi ngân sách nhà nước chúng ta đảm bảo trong số tuyết đối mà Quốc hội phê chuẩn kể cả phê chuẩn bổ sung nằm trong giới hạn, nhưng 3, 4 năm nay GDP chúng ta không đạt theo kế hoạch cho nên số tương đối về bội chi, số tương đối về nợ công là tăng nhanh. Đây là một thực tế, đúng ra theo Luật ngân sách nhà nước khi đã không đạt như thế để quản lý bội chi và quản lý nợ công chúng ta còn phải cắt chi”.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn chính là phải tập trung tiết kiệm chi. “Các đồng chí đại biểu nói rất đúng, nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên là phải đẩy mạnh khoán” – Bộ trưởng phát biểu.

Cùng với đó theo Bộ trưởng là sắp xếp lại tổ chức bổ máy và tinh giản biên chế thì mới giải quyết được vấn đề về tiền lương. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa về dịch vụ công. Chúng tôi thấy nói về ngân sách nhưng thực ra là đồng bộ và liên quan đến các ngành, liên quan đến các lĩnh vực. Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được. Chúng tôi thấy việc Quốc hội phản ánh, các vị đại biểu Quốc hội phản ánh là rất đúng nhưng cần có sự phối hợp, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành cùng phải thực hiện, cùng phải triển khai hiệu quả thì ngân sách nhà nước mới từng bước, từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay”./.

 

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực