Bộ Nội vụ công bố kết luận kiểm tra về việc bổ nhiệm người nhà "làm quan”

Thứ sáu, 17/02/2017 13:10
(ĐCSVN) –Bộ Nội vụ cho biết, trong số người nhà của một số vị lãnh đạo được bổ nhiệm “làm quan” mà báo chí phản ánh thì có việc bổ nhiệm một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm; một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học...


Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, sáng 17/2. (Ảnh: KT)

Đây là thông tin được Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành thông tin tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí sáng 17/2 do Bộ Nội vụ tổ chức.

Nhiều sai phạm trong bổ nhiệm người nhà

Ông Nguyễn Tiến Thành khẳng định, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra các vụ báo chí phản ánh về việc lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát theo thông tin báo chí phản ánh, tổng hợp được 9 địa phương, đơn vị bao gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế TP. Đà Nẵng.

Thời gian tiến hành thanh tra từ ngày 31/10/2016 đến ngày 03/11/2016. Kết quả kiểm tra như sau: Số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người (thực tế có 02 người không có quan hệ họ hàng). Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ 15 người, không có chức vụ 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người, không có chức vụ 18 người); số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.

Các tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được Bộ Nội vụ chỉ rõ như sau: Tại thời điểm bổ nhiệm, một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học như trường hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái; Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định; Huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Có tình trạng bổ nhiệm một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm như Chi cục Kiểm lâm thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra, có 1 trường hợp có trình độ chuyên ngành không phù hợp với vị trí việc làm như ở huyện Buôn Đôn, Đăk Lắk) và 1 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP vượt chỉ tiêu được giao như ở Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, Bộ Nội vụ đã có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các cơ quan đơn vụ thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, đó là tiến hành tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời đề nghị thu hồi Quyết định tiếp nhận công tác tại UBND huyện A Lưới, Thừa Thiên-  Huế đối với ông Hồ Thanh Hà, Phó trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện A Lưới do không thực hiện trình tự thủ tục xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển; xem xét việc miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo đối với ông Hà.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề nghị bố trí vị trí việc làm phù hợp với trình độ, chuyên môn (Đại học Kinh tế - chuyên ngành Ngân hàng) đối với ông Bun Lắp Ksor, Phó trưởng phòng Dân tộc UBND huyện Buôn Đôn và đề nghị chấm dứt hợp đồng lái xe tại cơ quan Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với ông Nguyễn Văn Thanh do vượt chỉ tiêu được giao.

Ủng hộ đề xuất thực hiện việc sáp nhập quận

Về thông tin liên quan đến việc sáp nhập quận tại TP. Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Tiến Thành, Bộ chưa nhận được văn bản chính thức của TP. Hồ Chí Minh về việc sáp nhập quận.

Tuy vậy, ông nhấn mạnh: Căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, nếu TP Hồ Chí Minh (và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước) đề xuất thực hiện việc sáp nhập quận nói riêng, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói chung thì quan điểm của Bộ Nội vụ rất ủng hộ vấn đề này. Việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính sẽ góp phần giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt là thực hiện được chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực