Bổ sung phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao

Thứ tư, 10/06/2020 16:42
(ĐCSVN) - Với 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, chiều 10/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Luât sửa đổi, bổ sung môt số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội bổ sung 01 điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 26 điều và chỉnh lý kỹ thuật 03 điều.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp lần này là  bổ sung quy định: “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.”

Để bảo đảm tính thống nhất, Luật  bổ sung quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.”

Các ĐBQH bấm nút thông qua Luật. 

Về thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định, Luật quy định thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự .

Để bảo đảm tính khả thi, Luật chỉ quy định thời hạn tối đa 3 tháng, trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng, còn thời hạn ở từng lĩnh vực chuyên môn được giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể.

Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định, Luật quy định giao trách nhiệm cho một trong các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định tư pháp (GĐTP) làm đầu mối tổ chức việc giám định.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp,  Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Về Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (Điều 12), nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao”; một số ý kiến đề nghị giữ quy định Điều 12 Luật hiện hành.

Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội biểu quyết điện tử theo 2 phương án:

Phương án 1: Bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao” là tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, 5 Điều 12).

Phương án 2: giữ quy định Điều 12 Luật Giám định tư pháp hiện hành.

Kết quả, có 359 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến, trong đó, có 248 ý kiến tán thành phương án 1 (chiếm 69,08% trên số ĐBQH cho ý kiến và 51,35% tổng số ĐBQH); có 110 ý kiến tán thành phương án 2 (chiếm 30,64% trên số ĐBQH cho ý kiến và 22,77% tổng số ĐBQH).

UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến các vị ĐBQH. Theo đó, bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao” là tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử .

Vấn đề này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý các nội dung liên quan tại khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 10, khoản 7 Điều 12 và khoản 6 Điều 44 của dự thảo Luật. /.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực