Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quản lý chặt chẽ, tránh thất thu thuế

Thứ năm, 16/11/2017 14:32
(ĐCSVN) – Vấn đề nợ công, chống chuyển giá, khắc phục nợ đọng, thất thu thuế… là các vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sáng 16/11.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong đầu tư công

Trả lời câu hỏi của các ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) liên quan đến các giải pháp quản lý nợ công trong bối cảnh nợ công đang tăng rất cao, áp lực trả nợ lớn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, nợ công bước đầu được cơ cấu, kiểm soát tương đối kết quả. Nợ công vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép, bước đầu kiềm được độ gia tăng, nâng được kỳ hạn phát hành trái phiếu.

“Chúng ta đã vượt qua đỉnh nợ công giai đoạn 2016 - 2017, nay lo đến đỉnh nợ công vào giai đoạn 2019 – 2020”, Bộ trưởng nói.

Đề cập giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp trước hết là đầu tư nguồn vốn vay công phải tập trung cho các Dự án quan trọng, có tác động lan tỏa, từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công.

Bên cạnh đó, xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và cắt giảm bội chi là quan trọng để kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công; tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ.

Mặt khác, điều hành kiên quyết bám sát Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm điều hành các chỉ tiêu bội chi liên quan đến nợ công. Giải ngân vốn ODA ưu đãi trong giới hạn Quốc hội thông qua là 300.000 tỷ đồng cả giai đoạn đến năm 2020. Đảm bảo cân đối, bố trí trả nợ đúng hạn đã có trong kế hoạch cụ thể. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong đầu tư công, hợp tác đầu tư, đấu thầu, kiểm soát, kiểm toán…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TH).


Kiểm soát chặt các khoản nợ  thuế

Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) về việc quản lý thuế có những thất thoát nào khi giao dịch hàng hóa không xuất toán hóa đơn thuế?”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp đều tự khai, còn với hóa đơn có thể tự in, hoặc mua hóa đơn thuế”. Cũng theo Bộ trưởng, hiện có tình trạng người mua hàng ít lấy hóa đơn và quen trả tiền mặt.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng trong xã hội. Nếu có thể làm mạnh hơn thì nên bắt buộc trong thời điểm thành lập doanh nghiệp sẽ phải đăng ký mã số thuế, mẫu hóa đơn. “Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong trao đổi hàng hóa, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra với những giao dịch đáng ngờ”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng tình với các ĐBQH về sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ, tránh thất thu, gian lận hóa đơn. “Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã tập trung vào lĩnh vực này rất lớn, đã kiểm tra một loạt doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và cũng đã phối hợp với cơ quan công an xử lý rất nhiều trường hợp, có những trường hợp đã đưa ra truy tố”, Bộ trưởng cho hay.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định nợ đọng thuế là căn bệnh tất cả tỉnh, thành, đồng thời nêu câu hỏi làm thế nào nuôi dưỡng nguồn thu bù lại thất thu đó và có giải pháp gì khắc phục một số nguyên nhân nợ đọng thuế?. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay giải quyết nợ đọng thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ Tài chính triển khai quyết liệt. Bộ trưởng cũng dẫn số liệu từ năm 2011-2016 và 10 tháng đầu năm 2017 số thu hồi nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. Bình quân, tốc độ tăng là 16,3%. Tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu hồi đến 30/10/2017 còn 4,9%, giảm so với 2016.

Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc thu nợ, theo dõi, kiểm soát chặt các khoản nợ thuế, ban hành đủ các thông báo.

"Chúng tôi đã giao chỉ tiêu thu nợ theo từng doanh nghiệp tới từng lãnh đạo từ Tổng cục, Cục, phòng, ban... đôn đốc cưỡng chế thuế, nhắn tin đôn đốc nộp thuế", Bộ trưởng cho biết.

Kiên quyết chống tiêu cực trong ngành

Nêu vấn đề thời gian qua tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, ngân sách nhà nước một phần "đội nón ra đi", một phần chảy vào túi cán bộ, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) truy trách nhiệm Bộ trưởng và ngành Hải quan đến đâu? Nguyên nhân do quản lý lơi lỏng hay suy thoái đạo đức, giải pháp nào có thể chấm dứt tình trạng tham nhũng này?

Nêu lại các vụ tham nhũng hải quan lớn gần đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đây đều là phát hiện từ bộ này.

"Chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành. Có vụ việc ở Hải quan An Giang, bắt một lúc 46 cán bộ hải quan, cũng là Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo và phối hợp với lực lượng công an", Bộ trưởng nói.

"Việc  213 container biến mất ở cảng Sài Gòn cũng vậy. Tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực, trong ngành và ngoài ngành. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan ngoài những cán bộ tham gia trực tiếp thì những cán bộ liên quan cũng đã kiểm điểm hoặc điều chuyển sang bộ phận khác".

Bộ trưởng cũng thông tin hàng năm số cán bộ bị xử lý liên quan đến thực hiện chính sách, nhiệm vụ, quy trình thủ tục là trên dưới 300 người.

"Nguyên nhân không đổ cho khách quan mà nhìn trực diện, suy thoái trong nội bộ lực lượng cán bộ. Bộ quyết tâm để rà soát lại các chính sách, quy trình thực hiện và quyết tâm thực hiện", Bộ trưởng nói.

Chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư

Trước sự quan tâm của các ĐBQH về tình trạng chuyển giá trong thời gian qua, đặc biệt trong khu vực FDI, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri.

Bộ trưởng Tài chính cho biết từ năm 1995, Bộ đã có văn bản kiểm soát chuyển giá, gần đây hoàn thiện các chính sách.

Trên cơ sở tổng kết, năm 2017, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định số 20 tháng 2/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết.

Năm 2017: cơ quan thuế  kiểm tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu, truy hoàn, tiền phạt 3.085 tỷ, giảm lỗ 6.812 tỷ, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, chuyển giá không chỉ trong quá trình sản xuất kinh doanh mà ngay từ khâu đầu tư. Trang thiết bị giá rẻ nhưng kê khai cao để trích khấu hao chuyển giá, trong quá trình đầu tư, đầu ra, đầu vào và vốn mỏng…

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, củng cố và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế, kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua hoạt động của từng tổ chức chức năng; tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đặc biệt lưu ý từ khâu đăng ký kinh doanh...

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực