Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Thứ ba, 18/04/2017 19:04
(ĐCSVN) - Tiếp tục phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về nhiều nhóm vấn đề.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã giải trình nhiều câu hỏi của đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề:  Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn
 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/4. Ảnh: ĐT

Gỡ bỏ nhiều video clip xấu độc trên Youtube

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: Bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc sai sự thật khá phổ biến trên mạng, lập trang facebook giả của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Việc này nguy hiểm vì gây hệ lụy, nhiều nước ngăn chặn tình trạng này. Đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu khác. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng hành vi vu khống, bôi nhọ xúc phạm danh dự của các cá nhân và tổ chức đang diễn ra rất nóng. Thế giới ngày nay đang dịch chuyển theo hướng phát triển công nghệ thông tin và đặt ra nhiều thách thức mới cho cơ quan quản lý nói chung.

"Mạng xã hội giúp người dùng giao lưu và chia sẻ nhanh chóng thông tin hiệu quả không phân biệt không gian, thời gian. Vì những đặc tính siêu việt này nên mạng xã hội có vai trò quan trọng với xã hội, nhiều nước coi mạng xã hội như một kênh thông tin. Các mạng xã hội nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam như Google, Facebook, Yahoo, Youtube… Số lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, mạng xã hội như một “con đường”, trên đường đi có người tốt người xấu, người xấu dùng mạng xã hội làm điều ác. Thông tin trên mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt, khắp công sở, đường phố, mọi ngõ ngách đời sống xã hội, do đó tin xấu sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Nhiều thế lực thù địch, các đối tượng xấu thường lợi dụng mạng xã hội để tung tin, bôi nhọ uy tín của người khác. Thế giới cũng rất đau đầu về vấn đề này. Việt Nam cũng không ngoại lệ, phải đối mặt với những mặt trái của mạng xã hội.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Thứ nhất là từ các cơ quan báo chí chính thống (gồm báo chí in, báo chí điện tử và phát thanh, truyền hình) và thứ hai là từ truyền thông xã hội (các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, do tổ chức, cá nhân (không phải là cơ quan báo chí) đăng tải. Với hai nguồn cung cấp như trên, tác động của từng nguồn đối với xã hội cũng khác nhau.

Đối với các thông tin được cung cấp bởi loại hình truyền thông xã hội thì được chia làm hai loại: Thứ nhất là do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Thứ hai là do tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam, điển hình như: Facebook, Google, Yahoo, Youtube... Các trang thông tin điện tử này phần lớn thuộc loại hình blog, mạng xã hội, thường ẩn danh tính và đặt máy chủ ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam.  

Các trang mạng xã hội trong nước phần lớn tuân thủ pháp luật, chỉ có một phần sai phạm là truyền bá nội dung trái thuần phong mỹ tục... Việt Nam là 1 trong 10 nước sử dụng Facebook lớn nhất thế giới, nên những thông tin bôi xấu Đảng, Nhà nước… chủ yếu xuất phát từ các trang mạng xã hội nước ngoài. Những trang mạng xã hội nước ngoài này khó kiểm soát do đặt máy chủ ở nước ngoài, hiện nay chúng ta đã bắt đầu kiểm soát, bước đầu có quy định pháp luật về vấn đề này.

“Qua theo dõi, quản lý hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy có tình trạng một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải nhiều video clip, tin bài có nội dung thông tin xuyên tạc, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác”- Bộ trưởng cho biết.

Về giải pháp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết khi báo chí chính thống không đầy đủ và chậm, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Luật pháp của nước ta có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2017 tới 12/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm.

Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, trước đây việc yêu cầu Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ các thông tin xấu khó khăn, nhưng gần đây Thông tư 38 ngày 16/12/2016 do Bộ ban hành đã tạo hành lang pháp lý, là cơ sở để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn thông tin xấu độc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân trên mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần tiếp xúc, đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Google, Youtube..., bước đầu đã thu được kết quả nhất định. Theo đó, bắt đầu cuối tháng 2/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ một số video clip xấu độc trên Youtube. Kết quả đến ngày 16/3/2017, Google đã hợp tác, ngăn chặn gỡ bỏ 42/46 video xấu độc theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện tại, Bộ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Google để nghiên cứu các giải pháp khả thi nhằm giải quyết hiệu quả nhất về vấn đề này.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để quản lý các trang mạng xã hội do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, Bộ đang thúc đẩy việc phát triển các trang mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo.

Về lâu dài, mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sẽ phải cạnh tranh tương đương với các trang mạng xã hội của nước ngoài như Youtube, Facebook.
Cùng với các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này.

“Việc quản lý thông tin trên mạng lên quan đến nhiều Bộ, ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp rất tốt với Bộ Công an, các bộ, sở Thông tin và Truyền thông các địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý các cá nhân vi phạm…

Đối với thông tin vi phạm được cung cấp từ bên ngoài (trang tin phản động từ nước ngoài, trên các dịch vụ phổ biến của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam) thì việc phát hiện và xử lý khá phức tạp do những trang tin phản động chủ yếu đặt máy chủ ở nước ngoài, việc ngăn chặn chỉ có tác dụng ở thời điểm nhất định do các trang này thay đổi địa chỉ IP liên tục, khiến việc chặn kỹ thuật phải luôn luôn theo dõi, thay đổi, chưa kể việc chặn nhiều sẽ làm hạn chế tốc độ đường truyền. Những trường hợp này, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an xử lý theo các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật hiện hành. 

Khuyến khích sim trả sau, thu hồi sim 11 số

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và nhiều đại biểu khác về giải pháp, chế tài cụ thể để giải quyết triệt để vấn nạn sim rác và tin nhắn rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Sim rác, tin nhắn rác là một vấn nạn. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của sim rác và tin nhắn rác”.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 18/4. Ảnh: ĐT

Bộ trưởng cho biết, sự phát triển của công nghệ viễn thông thời gian qua vừa mang lại nhiều thay đổi và tác động lớn cho đời sống xã hội nhưng cũng làm phát sinh một số vấn đề tiêu cực, cụ thể là tin nhắn rác.

“Xét về mặt bản chất, nguồn gốc của tin nhắn rác là do bán sim điện thoại trả trước tràn lan. Rất nhiều người dân bị sử dụng thông tin cá nhân mà không hề được thông báo trước”, ông nói rõ.

Bộ trưởng cho biết, ở nước ngoài, muốn mua sim trả trước để sử dụng rất khó khăn. “Trong chuyến công tác Nhật Bản vừa qua, tôi có nhờ đồng chí tham tán mua hộ sim để sử dụng, họ yêu cầu phải có hộ chiếu và phải 1 tuần mới có sim chứ không phải muốn mua bao nhiêu cũng có được như ở ta”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, trong việc này thể hiện sự thiếu quản lý, giám sát nghiêm túc của các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan, trong đó có trách nhiệm của ngành Thông tin - Truyền thông và trách nhiệm của người đứng đầu ngành.

“Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến xã hội, gây phiền nhiễu cho nhiều người sử dụng và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin. Ví dụ như trường hợp lãnh đạo Bắc Ninh vừa qua bị sử dụng sim rác nhắn tin khủng bố, đe doạ”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Bộ trưởng nhìn nhận, dù vấn nạn sim rác, tin nhắn rác đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để vì xuất phát từ lợi ích của nhiều bên gồm: Nhà mạng, đại lý và cả người sử dụng. “Nhà mạng được hưởng lợi vì giúp phát triển số lượng thuê bao. Nhưng gần đây trong các cuộc giao ban quản lý nhà nước, tôi không coi việc phát triển thuê bao của các nhà mạng là thành tích vì đến nay đã bão hoà, 92 triệu dân mà đã có tới 131 triệu thuê bao”, Bộ trưởng chia sẻ.

Với đại lý sim thẻ, việc duy trì sim tồn tại để có doanh số lợi ích nhất định. Còn người dùng được lợi từ các sim mới khuyến mại nhiều.

“Sim rác tồn tại như tất yếu của kinh tế thị trường. Ở góc độ quản lý nhà nước, tình trạng sim rác làm lãng phí nguồn tài nguyên kho số quốc gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ xác định một trong những nội dung phải xử lý triệt để là vấn đề sim rác và tin nhắn rác. Theo đó, đối với các doanh nghiệp viễn thông thuộc ngành Thông tin - Truyền thông, Bộ yêu cầu nếu không xử lý được tin nhắn rác, sim rác sẽ xử lý người đứng đầu. Đồng thời, phải ngăn chặn từ ngay hệ thống sim của các nhà mạng. Song song đó, Bộ cũng đang triển khai giải pháp thu hồi sim 11 số để giảm lãng phí tài nguyên kho số quốc gia.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm triệt để hơn nữa và tăng cường khuyến khích sử dụng sim trả sau, hạn chế ưu đãi đối với sim rả trước.

Ngoài việc phạt hành chính, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính nâng cao mức truy thu đối với những tổ chức phát tán tin nhắn rác. Tăng cường kiểm tra các đại lý có sim trả trước. 

Tấn công mạng vẫn tiếp tục tăng về quy mô và số lượng

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về các giải pháp trong an toàn an ninh mạng, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, tình hình an ninh mạng là chủ đề nóng được sự quan tâm của tất cả các quốc gia. Thống kê cho thấy, các cuộc tấn công gây mất an toàn thông tin trên khắp thế giới ngày càng có xu hướng tăng về số lượng, quy mô; phương thức thực hiện cũng phức tạp, tinh vi hơn. Các quốc gia có nền kinh tế lớn và nền tảng khoa học –  công nghệ phát triển như Mỹ, Nga, Anh, Đức, Trung Quốc… cũng chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi xu thế này và đều triển khai các biện pháp cần thiết để quản lý, ngăn chặn và hạn chế thiệt hại từ các nguy cơ trên.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đối mặt với một số nguy cơ, thách thức về an toàn thông tin mạng nổi bật như: Tấn công mạng vẫn tiếp tục, tăng về quy mô và số lượng, nhất là các cuộc tấn công mạng có chủ đích (APT) dẫn đến lộ, lọt thông tin. Điển hình là vụ tấn công mạng vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam vào cuối tháng 7/2016.

Tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại, nhất là các phần mềm độc hại mã hóa dữ liệu để tống tiền tăng cao, đặc biệt, hình thức lây nhiễm các loại phần mềm này cũng được mở rộng, thậm chí có thể lây lan qua các mạng xã hội.

Tình hình lừa đảo trực tuyến, nhất là lừa đảo trên mạng xã hội và qua tin nhắn vẫn còn phổ biến. Nhiều người sử dụng do cả tin, nhận thức về an toàn thông tin còn hạn chế nên vẫn dễ dàng mắc lừa dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

Nguy cơ mất an toàn thông tin trên các thiết bị IoT (Internet of Things) ngày càng thể hiện rõ nét. Nhiều cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) có lưu lượng tấn công lớn với nguồn tấn công là các thiết bị IoT như router, camera an ninh,... đã xảy ra, dẫn đến thiệt hại và ảnh hưởng hoạt động của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến khác.

Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Điển hình là hiện tượng người sử dụng bị mất tiền trong các tài khoản ngân hàng thường xuyên xảy ra.

Kết quả khảo sát năm 2016, có 41% cơ quan, tổ chức không kiểm tra, đánh giá rủi ro về an toàn thông tin; 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn… 

Nguyên nhân của tình trạng này là nhận thức về an toàn thông tin chưa đầy đủ, nhân lực mỏng (Bộ đã thu hút được một lượng lớn chuyên gia giỏi nhưng rồi họ lần lượt xin về các doanh nghiệp); tiêu chuẩn, quy chuẩn còn yếu; tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại ở mức cao; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn thông tin còn hạn chế...

Về giải pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một số giải pháp như quy trình xử lý sự cố an ninh mạng, quy trình hướng dẫn diễn tập an toàn thông tin mạng, đẩy mạnh an toàn thông tin quy mô quốc gia…Tăng cường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các quy chế phối hợp hợp tác nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin cả về số lượng lẫn chất lượng. Xây dựng các cơ chế nhằm thu hút nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao làm việc cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng xã hội.

Cùng với đó, Bộ cũng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đồng thời giám sát, phát hiện, cảnh báo, điều phối ứng cứu xử lý các cuộc tấn công mạng, các nguy cơ về an toàn thông tin. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường an toàn thông tin nội địa, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm an toàn thông tin trọng điểm quốc gia và thúc đẩy khởi nghiệp về an toàn thông tin.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác hợp tác quốc tế, tranh thủ sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực nước ngoài cho công tác bảo đảm an toàn thông tin quốc gia./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực