Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Chưa nhận được thông tin quan chức góp tiền xây chùa”

Thứ tư, 05/06/2019 19:23
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định “chưa nhận được thông tin nào liên quan đến việc quan chức góp tiền để xây dựng chùa” và đề nghị đại biểu Quốc hội có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện là thành viên Chính phủ thứ 4 trả lời chất vấn
(Ảnh: KT)

Chiều 5/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từ 15h00 Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là thành viên Chính phủ thứ 4 trả lời chất vấn.

Nhóm vấn đề chất vấn với Bộ trưởng gồm: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, quản lý hoạt động tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan, việc đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tâm linh, quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh, công tác quản lý và phát triển du lịch…

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo có 61 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng.

Không thể hi sinh di sản

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) nêu vấn đề: Diễn đàn Kinh tế đã xếp hạng tổng thể năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam chỉ đứng thứ 67/136 nền kinh tế. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Giải pháp đột phá nào để sớm cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam? Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng đề nghị Bộ trưởng cho biết, vì sao tăng trưởng 30% trong năm 2016 và 2017, nhưng 3 tháng đầu năm nay, khách thế giới đến Việt Nam lại tăng chững lại 8,7%? – đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nêu hàng loạt câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng về giải pháp đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành mũi nhọn, ngành đang chiếm 10% GDP của Việt Nam hiện nay. Ông cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ phương hướng phát triển ngành du lịch làm sao để không mâu thuẫn, xung đột với việc giữ gìn an ninh môi trường và bản sắc dân tộc.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, du lich 3 năm vừa rồi tăng rất nhanh, nhưng 5 tháng đầu năm nay chỉ tăng gần 9%. “Vấn đề này được dự báo trước, năm nay không tăng mạnh như năm trước vì lượng khách Trung Quốc giảm” – Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết phải đẩy mạnh các giải pháp như quảng bá, xúc tiến tại các thị trường quan trọng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Bộ trưởng cho rằng để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đến năm 2030. Ông cho rằng phải khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của Việt Nam, rồi liên quan đến công tác quảng bá, xúc tiến, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý nhà nước về du lịch…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để phát triển du lịch bền vững, tức là phát triển du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế khác, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không phá vỡ di sản văn hóa. Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn phát triển của các nước trên thế giới.

Thời gian qua, chúng ta xây dựng những nhà máy, khu du lịch thì có nơi này, nơi khác cũng ảnh hưởng đến bảo tồn. Trong phần trả lời, Bộ trưởng trích dẫn câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị toàn quốc liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa là: “Tất cả mọi cái đều xây dựng được, làm được, nhưng di sản thì không làm lại được, cho nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển kinh tế”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua, trong quy hoạch, bảo tồn phát triển đang bị coi nhẹ. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ, hoặc làm rất tốt rồi nhưng thi công không ai giám sát.

Lợi dụng tâm linh để thương mại hóa là vi phạm pháp luật

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về thương mại hóa trong xây dựng một số công trình tâm linh. Có hay không việc quan chức đóng cổ phần để chia lợi nhuận trong những ngôi chùa như thế này không?. Đại biểu cũng đặt câu hỏi cho Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL về việc một số công dân Việt Nam lợi dụng việc tâm linh để trục lợi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết hiện trong phân loại các sản phẩm du lịch Việt Nam có 4 loại: Du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Tuy nhiên, theo ông các khái niệm này tương đối, khái niệm du lịch tâm linh được hiểu nằm trong du lịch văn hoá.

Bộ trưởng khẳng định quan điểm, “việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng tâm linh để thương mại hóa và thu lợi bất chính, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định”.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, quản lý về tôn giáo, chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, Bộ trưởng khẳng định “chưa nhận được thông tin nào liên quan đến việc quan chức góp tiền để xây dựng chùa”. Bộ trưởng đề nghị, đại biểu Quốc hội có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, nếu đại biểu Quốc hội có thông tin chính xác thì cung cấp cho Quốc hội để tiến hành giám sát, và các cơ quan quản lý nhà nước xem có việc này hay không để xử lý theo đúng quy định. 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề cập việc xử phạt với hành vi vi phạm mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng với mức 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tác động vụ việc gây ra.

Đại biểu chất vấn: “Mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này hiện nay đủ sức răn đe chưa, biện pháp gì để tránh tái diễn những việc như ở chùa Ba Vàng và những nơi tâm linh khác?”.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng nêu rõ, sự việc xảy ra ở chùa ba Vàng là việc làm vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa cần lên án và xử lý. Về việc xử lý, chính quyền địa phương, UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Yến với mức phạt là 5 triệu đồng, đây là mức phạt cao nhất trong Nghị định 158.

Theo Bộ trưởng, “5 triệu đồng nếu thấy rất nhỏ thì rất nhỏ, nhưng có xử phạt đến 100 triệu đồng thì cũng chưa thể được”. Nhưng Bộ trưởng cũng thấy rằng, “tiền một phần, nhưng phải tăng xử phạt, và làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức”. Kết hợp cả hai việc vừa xử phạt, vừa dư luận xã hội sẽ tốt hơn, Bộ trưởng nói./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực