Cải cách hành chính là trọng tâm đột phá của Bộ LĐTBXH

Thứ sáu, 17/11/2017 19:59
(ĐCSVN) - Chiều 17/11, Đoàn kiểm tra về cải cách hành chính (CCHC) của Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình triển khai, kết quả công tác CCHC của Bộ thời gian qua.

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện CCHC, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, công tác này luôn được Bộ chú trọng, tập trung chỉ đạo và coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội. Các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ đã được quy định theo hướng minh bạch, đơn giản hóa về trình tự, giảm bớt thời gian giải quyết, tạo nhiều thuận lợi cho đối tượng thực hiện. Việc công bố, công khai các TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ…về cơ bản đã được thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện và giám sát việc thực hiện TTHC.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:KS)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bảo đảm thông suốt trong trao đổi thông tin giữa Bộ với Chính phủ theo mạng thông tin điện tử. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp xử lý công việc của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được duy trì và từng bước nâng cấp. Cổng thông tin điện tử của Bộ đã cập nhật, đăng tải đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của ngành. Hệ thống thư điện của Bộ đã được đầu tư hiện đại, thuận tiện cho người sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian qua, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện toàn diện 06 nhiệm vụ về CCHC, đó là: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Bên cạnh đó, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử do Bộ trưởng làm trưởng ban, định kỳ tiến hành họp để đánh giá, kiểm điểm việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đề ra.

Để công tác CCHC thực sự hiệu quả và đi vào chiều sâu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu nhằm tạo sự chuyển biến thực sự. Bên cạnh đó, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải thực hiện đồng bộ CCHC và ứng dụng CNTT trong tích hợp số liệu, trước hết là lĩnh vực người có công và bảo trợ xã hội. Tập trung đồng bộ, gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử và CCHC trong một số lĩnh vực ngành quản lý, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ là một trong những đơn vị đi đầu về ứng dụng CNTT.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: KS)

Đánh giá cao những kết quả mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong công tác CCHC, tuy nhiên đại diện Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế. Trong đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao còn bị chậm tiến độ hoặc chưa hoàn thành. Việc công bố TTHC tuy đầy đủ nhưng trong một số lĩnh vực chưa kịp thời. Việc giải quyết hồ sơ TTHC cho cá nhân, tổ chức có trường hợp bị quá thời hạn quy định. Số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp mức độ 3, 4 chưa nhiều (mặc dù đều hoàn thành theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao); tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến ở mức độ 3 còn thấp…

Về những kiến nghị trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm soát chặt chẽ các quy định về TTHC trong văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc về trọng tâm của hoạt động cải cách TTHC; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, nắm bắt thông tin, tăng cường cơ chế phối hợp trong nội bộ. Bên cạnh đó, Bộ cần nắm bắt phản ứng của người dân, doanh nghiệp trước các chính sách của Bộ, gắn kết với các địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thực tế. Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tăng cường tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực