Cần cứng rắn, cương quyết hơn với người nghiện ma túy

Thứ sáu, 11/09/2020 19:16
(ĐCSVN) – Góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm: “Luật lần này phải ở mức độ chặt chẽ, cứng rắn, cương quyết hơn”.

Chiều 11/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Nhiều vụ thảm án liên quan người sử dụng ma túy

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...

Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng …. đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày tờ trình dự án Luật (Ảnh: quochoi.vn) 

“Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân" - Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ là chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp...

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.

Cụ thể, dự luật xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy". Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình của họ và xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện.

Cần cứng rắn, cương quyết hơn

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.

Cho ý kiến về những nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn về đánh giá thực trạng số lượng người nghiện ma túy và phân loại các đối tượng này để có phương pháp điều trị thích hợp.

Ông cũng đề nghị đánh giá rất kỹ về chính sách đưa người nghiện về lại với cộng đồng, gia đình, đánh giá xem có đem lại lợi ích cai nghiện tốt không, có ảnh hưởng gì đến gia đình, chòm xóm không?. "Bởi số đông cử tri người ta không thích điều này vì trật tự an toàn xã hội địa phương. Đưa về cai nghiện ở gia đình thì sự tự ti của gia đình càng cao chứ không phải ở trung tâm cai nghiện mới tạo tự ti. Điều đó khiến người ta co cụm lại, nói năng giữ kẽ vì người thân họ có lỗi" - ông Giàu phát biểu.

Ông Giàu thẳng thắn bày tỏ cảm thấy hệ thống chính sách chưa đủ mạnh. Cho rằng ở đây có trách nhiệm của nhà nước, quản lý xã hội, ông đề nghị phải xem lại rất rõ ràng về chính sách ưu đãi, tập trung vào địa điểm cai nghiện; việc chọn lựa 3 loại cán bộ (bác sỹ điều trị trực tiếp, bác sỹ tâm lý và đội ngũ công an) phải công phu.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, phòng, chống tác hại ma túy là vấn đề rất quan trọng trong tình hình hiện nay. “Nếu trong một xã, thôn, gia đình nào có người nghiện ma túy thì là điều khủng hoảng, lo lắng của cộng đồng dân cư, thành viên trong gia đình, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống. Thậm chí, gia đình có con em nghiện thì phải nói là tan cửa, nát nhà và tương lai người nghiện vô vọng, không lối thoát” – ông Hiển nói.

Đồng thời khẳng định, cai nghiện ma túy vô cùng phức tạp, số người mắc nghiện cai được rất ít, phần lớn là cai nghiện không thành công. Rất nhiều vụ tội phạm xảy ra xuất phát từ người nghiện.

“Đặt họ vào vị trí nào?” - đặt câu hỏi này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi đặt họ vào vị trí người bệnh, song nếu đặt họ ở vị trí là tội phạm thì lại liên quan đến vấn đề nhân đạo.

Ông nhấn mạnh, Luật lần này phải ở mức độ chặt chẽ, cứng rắn, cương quyết hơn; nhân đạo phải có tầng lớp, không mãi mãi được. Cụ thể, theo ông, lần đầu thì xử phạt hành chính, vi phạm lần 2 phải xử lý nặng hơn, vi phạm lần 3 thì cưỡng chế, bỏ tù cách ly khỏi xã hội để khỏi gây ra mất an toàn cho xã hội.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới và cần có quan điểm rõ ràng, quyết liệt hơn trước thực trạng hiện nay, xử lý hành chính theo từng cấp độ và nâng cấp độ. Cùng với đó có những chính sách hỗ trợ để người nghiện ma tuý cai nghiện thành công hoà nhập cộng đồng./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực