Cần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao nước ta phát triển mạnh mẽ

Thứ hai, 11/09/2017 21:27
(ĐCSVN) – Chiều 11/9, tiếp tục Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày
Tờ trình dự án Luật TDTT. (Ảnh: Bích Liên)

Theo tờ trình dự án Luật của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày, Luật Thể dục, thể thao (TDTT) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007. Qua tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành, có thể khẳng định Luật TDTT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập và không còn phù hợp với tình hình thực tế. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT như: chính sách của nhà nước đối với phát triển TDTT quần chúng; trách nhiệm của bộ, ngành, của nhà trường các cấp đối với công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; các chính sách huy động các nguồn lực xã hội hoá hoạt động TDTT…

Về vấn đề xã hội hóa hoạt động TDTT,  Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Hiện nay, các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức tổ chức và đối tượng tham dự. Một số giải thi đấu thể thao quần chúng có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài tham dự và thẩm quyền cho phép tổ chức các giải này chưa được Luật TDTT quy định. Để tăng cường quản lý các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng tại Việt Nam, bảo đảm được yêu cầu về chuyên môn, về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần thiết phải bổ sung quy định về thẩm quyền tổ chức các giải thể thao quần chúng có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài tham dự.

Nhất trí với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, với việc bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định tổ chức các giải thể thao và giải thi đấu từng môn thể thao như dự thảo Luật  nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác quản lý, đảm bảo yêu cầu về chuyên môn. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị cơ quan trình dự án Luật đổi tên điều thành “Thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng” cho phù hợp với nội dung của điều luật; bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao quần chúng nhằm đảm bảo tính minh bạch, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật .

Góp ý vào dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, dự án Luật nên sửa đổi, tập trung mạnh vào thúc đẩy 2 mảng chính là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Về thành tích cao, nên hướng đến đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư cho các môn thể thao thi Olympic, không nên đầu tư dàn trải; tương tự, về thể thao quần chúng cũng cần sửa đổi, hướng mạnh đến vấn đề về chất lượng.

Đồng thời, trong sửa đổi cũng cần hết sức quan tâm đến các chính sách phát triển hệ thống các huấn huyện viên; có các cơ chế, chính sách thỏa đáng trong chăm lo cho các vận động động viên, nhất là những vận động viên có nhiều thành tích. Bởi trong sự nghiệp, họ đã đổ rất nhiều mồ hôi, xương máu, thậm chí họ còn phải hy sinh cả hạnh phúc cá nhân của mình.

Về vấn đề giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đây là nội dung quan trọng của phong trào TDTT nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực, tầm vóc và kỹ năng vận động cơ bản, góp phần hình thành nhân cách và giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh, sinh viên; đồng thời góp phần phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước. Tuy nhiên, công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong khối các trường đại học và chuyên nghiệp.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, bảo đảm phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với giáo dục thể chất và TDTT trong nhà trường để từng bước chuẩn hoá cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên TDTT.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến tán thành với việc quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; đồng thời đề nghị cơ quan trình dự án Luật làm rõ cơ chế chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một số ý kiến cũng cho rằng, với những quy định như trong dự thảo, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường khó có thể bảo đảm mục tiêu nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc cho học sinh, sinh viên và phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước như được nêu trong Tờ trình.

Chưa tán thành với quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: “Hiện nay, tại các trường học của ta thường có các môn thể dục thôi. Bởi vậy, nói để phát triển vấn đề thể dục thể thao trong nhà trường hơi khó. Bởi để phát triển được thể dục thể thao thì cần có quỹ đất lớn, sân bãi phục vụ, cơ sở vật chất… Cái này nhiều trường còn khó khăn chưa thể phát triển toàn diện được, vì vậy không nên ép buộc các trường phải phát triển chú trọng cả lĩnh vực thể thao”.

Về đặt cược thể thao, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu, bổ sung quy định về đặt cược thể thao, giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động TDTT được phép kinh doanh đặt cược nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí  điểm đặt cược bóng đá quốc tế, cần có thời gian tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật, vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao cũng như các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đặt cược thể thao trong Dự thảo Luật.

Bày tỏ quan điểm nên xây dựng quy định về đặt cược thể thao, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần phải có phân tích thuyết phục và cụ thể hơn; bảo đảm tính nguyên tắc, an ninh trật tự trong đặt cược thể thao và nguồn thu từ đặt cược phải được sử dụng để đầu tư cho phát triển TDTT.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT; cho rằng, dự án Luật được xây dựng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật TDTT năm 2006; bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến hoạt động TDTT. Đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT phát triển trong thời gian tới./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực