Cần thanh tra, kiểm tra những nội dung kiến nghị của cử tri

Thứ ba, 15/05/2018 17:45
(ĐCSVN) - Mặc dù các bộ, cơ quan đã tích cực và rất nỗ lực trong việc tiếp thu và giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị cử tri nêu, song việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Đây là thông tin được Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh khi báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kết quả giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri (KNCT) gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội, sáng 15/5.

Còn tình trạng “kiến nghị một đằng trả lời một nẻo”

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, qua ý kiến nhận xét, đánh giá của 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về công tác giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan Quốc hội, cơ quan của UBTVQH đều cho thấy, các cơ quan đã thực hiện rất nghiêm túc, đúng hạn trong việc trả lời toàn bộ các kiến nghị cử tri (KNCT), đảm bảo chất lượng, trả lời đúng và trúng các nội dung kiến nghị mà cử tri nêu. Trong tổng số 1.993 kiến nghị mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có: 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri. Có 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết dứt điểm.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, một điểm nhấn là 83,5% (298/357) các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các bộ, ngành xây dựng lộ trình để giải quyết (tăng 4 lần so với kỳ trước).

Một số KNCT có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân tại một số địa phương đã được bộ, ngành phối hợp với địa phương ưu tiên xem xét, giải quyết ngay. Có những kiến nghị chỉ trong vòng 30 ngày đã được xem xét giải quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn mà cử tri nêu.

Tuy nhiên, hiện còn có 357/2.099 kiến nghị cử tri đã được các bộ, ngành tiếp thu và đang trong quá trình giải quyết; 249 kiến nghị tồn đọng qua nhiều kỳ vẫn đang tiếp tục trong quá trình xem xét để giải quyết …; vẫn còn không ít các câu trả lời chung chung, “kiến nghị một đằng trả lời một nẻo” hay phối hợp trả lời tận 7 năm vẫn chưa hoàn thành...

Đáng chú ý, có bộ còn trả lời “lạc đề”, không đúng với nội dung mà cử tri hỏi; không đưa ra thông tin hay giải pháp gì để tháo gỡ một khó khăn rất cụ thể. Một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, thậm chí không đúng với thực tế.

Mặt khác, báo cáo cũng chỉ ra, việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Đơn cử như cử tri các thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định và cử tri một số tỉnh khác bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng song trả lời cử tri về công tác phòng chống cháy nổ của Bộ Công an chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và nguyện vọng của cử tri.

Hay qua KNCT cho thấy, một số chính sách của Nhà nước đã ban hành nhằm hỗ trợ người dân vùng thiên tai giải quyết khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống nhưng chậm đi vào cuộc sống dẫn đến người dân băn khoăn, bức xúc, nhưng trả lời của một số Bộ lại chưa rõ nguyên nhân tại sao, trách nhiệm thuộc về ai?...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: TH.

Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

Cho ý kiến vào báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, báo cáo có nhiều đổi mới, nêu được nhiều nội dung dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho các nhận định, đánh giá, chỉ rõ “địa chỉ” của những tồn tại, hạn chế. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, báo cáo có địa chỉ rõ ràng như vậy thì hiệu lực giám sát sẽ cao hơn. Tuy nhiên, theo bà Nga, quan trọng là ngoài trả lời KNCT thì cần thanh tra, kiểm tra những nội dung cử tri nêu. Bởi nếu quan tâm hơn tới các kiến nghị mang tính cảnh báo và hành động tích cực hơn thì có thể hạn chế các vụ việc cháy nổ như thời gian qua.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến tỏ ra băn khoăn trước con số gần 74% KNCT được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri, cho thấy việc thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân còn hạn chế. Trên cơ sở đó, đề nghị bổ sung giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối với người dân, để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.

Trước những tồn tại trong giải quyết kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề là do pháp luật, do cơ chế phối hợp thực hiện, hay do năng lực cán bộ?. Nếu do năng lực của cán bộ thì cần có lớp bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, UBTVQH cơ bản tán thành với đánh giá về kết quả giải quyết KNCT của các cơ quan của Quốc hội.

UBTVQH đề nghị cần rà soát lại nội dung của báo cáo, làm rõ hiệu quả của việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Một số nội dung đã được xử lý nhưng vẫn có kiến nghị nhiều lần, cần làm rõ trách nhiệm, kể cả về công tác thông tin, tuyên truyền. Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực