Cần thiết kiểm tra, giám sát quyền lực ở đặc khu

Thứ tư, 23/05/2018 14:53
​(ĐCSVN) – “Quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình mới hoặc thường xuất hiện vấn đề “nóng” thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực; không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm suy thoái niềm tin của nhân dân”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, sáng 23/5.

Phân quyền mạnh cho Chủ tịch UBND đặc khu

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành việc thành lập ba đặc khu trên nhằm tạo ra bước đột phá mới, giải phóng nguồn lực cho phát triển của đất nước.

Theo Dự thảo Luật, Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ và làm rõ trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND đặc khu (Điều 69).   

Đại biểu  Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: quochoi.vn).

Đồng tình với việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt các quy định cho Chủ tịch để giao cho UBND uỷ quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và các ban, ngành chuyên môn.

“Việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn. Một trăm việc làm tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm”, ĐB Phương trăn trở.

ĐB Phương cũng cho rằng, trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần có tổ chức HĐND để thực hiện giám sát  là cần thiết, bởi quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới hoặc thường xuất hiện vấn đề “nóng” thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm suy thoái niềm tin của nhân dân.

Đồng quan điểm, ĐB Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chỉ ra, dự thảo luật có nhiều quy định trao cho Chủ tịch UBND đặc khu được quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền của UBND theo chế độ tập thể, trong đó có những nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Quy định trên là xung đột với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Luật này cũng không quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các đặc khu” – ông Võ Đình Tín nhấn mạnh.

ĐB Tín cũng đề nghị quy định cho đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh quy hoạch đặc khu, tránh trường hợp việc điều chỉnh quy hoạch cũng phải giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, vừa mất đi tính thời gian, mất tính chủ động của vai trò Chủ tịch đặc khu.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phân tích: Theo dự án luật, Chủ tịch UBND đặc khu có quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm A. “Các dự án nhóm A có vai trò rất quan trọng với kinh tế, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn đầu tư công”, ĐB Mai lưu ý.

Trên cơ sở đó, ĐB Mai đề nghị xem xét lại quy định này. “Hiện nay, để đầu tư một dự án nhóm A thì trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều cơ quan xem xét, thẩm định. Đây là quy trình có nhiều công đoạn khác nhau, chỉ giao cho một cá nhân không bảo đảm tính khách quan, có thể gây thất thoát ngân sách cho Nhà nước” - ĐB Mai nói.

Tranh luận với các ý kiến băn khoăn về việc giao nhiều quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, đặc khu là thử nghiệm sự vượt trội, đột phá thì chắc chắn Chính phủ sẽ bố trí người đủ trình độ, năng lực vào vị trí này.

“Việc lớn không quyết được thì lại quay về cái không đột phá và như hiện hành” – ĐB Thân nêu quan điểm.

Cân nhắc quy định để nhà đầu tư thực hiện thu hồi đất

Tại khoản 7, Điều 32 dự thảo Luật quy định rõ đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino của nhà đầu tư chiến lược thì Nhà nước chỉ hỗ trợ về thủ tục thực hiện thu hồi đất để bảo đảm tiến độ dự án, còn tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do nhà đầu tư chi trả và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

Dẫn thực tế nhiều dự án 10 - 15 năm không thực hiện được việc thu hồi do chỉ 1-2 gia đình không chấp nhận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, giao quyền cho UBND đặc khu thu hồi đất, nếu không rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng, Nhà nước nên đứng ra thu hồi đất mới giao cho nhà đầu tư để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, kiểm soát chi phí bồi thường, tránh nhà đầu tư thu hồi kéo dài, gây khiếu kiện, có thể làm phát sinh tiền của dự án. Nhà nước cần có sự cam kết về vấn đề này.

Ở khía cạnh khác, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng)  cho hay, việc cấp giấy đầu tư theo thủ tục rút gọn là cần thiết để sớm triển khai dự án đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả dự án mới là điều quan trọng. Do đó, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng, không nên vì tiến độ mà không đánh giá đầy đủ tính khả thi, hiệu quả của dự án.

Theo ĐB Hoa, chỉ nên bỏ qua các thủ tục không cần thiết, không nên bỏ nội dung đánh giá thông tin nhà đầu tư.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dịch vụ đặc biệt như: Kinh doanh casino, đặt cược, trò chơi điện tử… để phù hợp thông lệ quốc tế…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực