Cảnh báo ngộ độc rượu ngày Tết

Thứ tư, 14/02/2018 16:03
(ĐCSVN) – Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, việc sử dụng rượu trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày của người dân có chiều hướng gia tăng đáng báo động. Ngoài các tai nạn giao thông gây ra từ những người sử dụng rượu, họ cũng có thể bị ngộ độc với nguy cơ tử vong.

Nhu cầu sử dụng các loại rượu gia tăng đột biến trong dịp Tết

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết do ngộ độc rượu. Riêng năm 2017 ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol (cồn công nghiệp), với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện. Đặc biệt qua theo dõi nhiều năm, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2-4, trùng với thời điểm trước và sau Tết nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2-4 hàng năm đều tăng vọt 40-50% so với các tháng còn lại.

Dịp Tết, nguy cơ ngộ độc rượu rất cao. Ảnh: ĐT

“Vào dịp Tết, lượng rượu được tiêu thụ tăng mạnh, kéo theo đó là nguy cơ các sản phẩm rượu không bảo đảm chất lượng, rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu giả… tuồn ra thị trường. Trong khi người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm pháp luật thì ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng cũng còn hạn chế. Nhiều người, dù biết là rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật không nhãn mác nhưng vẫn “nhắm mắt” uống, nhất là người dân ở vùng nông thôn, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đó là điều nguy hiểm trong bối cảnh công tác quản lý kinh doanh, sản xuất rượu, nhất là rượu nấu thủ công, vẫn còn gặp nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.

Thượng tá Bùi Đức Anh, Phó Trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết: Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 270 triệu lít rượu/năm. Các loại rượu được tiêu thụ trên thị trường từ ba nguồn chủ yếu: Rượu nhập khẩu; rượu sản xuất từ các doanh nghiệp có quy mô công nghiệp ở trong nước; rượu sản xuất từ các hộ gia đình, làng nghề nấu bằng phương pháp thủ công.

Đáng lo ngại, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các vụ ngộ độc rượu vẫn xảy ra với tính chất, mức độ khác nhau, trong đó có một số vụ ngộ độc rượu có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: Ngộ độc rượu tại tỉnh Lai Châu (năm 2017) làm 10 người chết, hơn 40 người phải nhập viện. Riêng tại TP. Hà Nội, năm 2017 có 31 người bị ngộ độc methanol do uống rượu, trong đó có 05 người chết.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc rượu thời gian qua chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính; nạn nhân có tiền sử nghiện rượu, hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, khi sử dụng rượu quá giới hạn gây ra ngộ độc đe dọa tính mạng. Trong khi đó, nhận thức, hành vi đúng về chế biến, lựa chọn, tiêu dùng rượu của người tiêu dùng còn hạn chế; thói quen ngâm rượu bằng bất kỳ cây, con gì còn phổ biến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là nấu rượu thủ công cũng còn rất nhiều hạn chế…

Theo nhận định của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân, nhu cầu các loại thực phẩm nói chung, các loại rượu nói riêng thường gia tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP, thì còn rất nhiều cơ sở, cá nhân lợi dụng thời điểm này có các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm ATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh rượu, trong đó tập trung vào rượu pha chế thủ công; kiểm tra nguồn gốc rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cửa hàng tạp hóa. Củng cố hệ thống giám sát và phòng, chống ngộ độc thực phẩm do rượu về nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật, kiểm nghiệm ATTP của rượu; thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm, phân tích, đánh giá kịp thời để cảnh báo cho cộng đồng.

Tổ chức ký cam kết trách nhiệm không kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu không có nhãn mác, rượu không công bố sản phẩm theo quy định; yêu cầu công khai địa chỉ nguồn gốc rượu và giấy chứng nhận, cam kết ATTP cho khách hàng tại từng cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc methanol, tác hại của việc sử dụng rượu không an toàn, không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn mác, không công bố sản phẩm, nhất là không lạm dụng uống nhiều rượu trong dịp Tết.

Đối với người tiêu dùng, không nên uống quá nhiều rượu; tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận, rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, nhất là không được uống rượu khi đang đói, căng thẳng, hay mệt mỏi. Khi uống rượu có triệu chứng ngộ độc rượu như: mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nôn…, cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, xác suất tử vong do ngộ độc rượu cao gấp nhiều lần so với các loại ngộ độc khác. Đa số bệnh nhân được đưa vào cấp cứu đều do lạm dụng rượu và nhập viện muộn với các biểu hiện ngộ độc methanol khá nặng. Nguyên nhân phổ biến là sử dụng các loại rượu trắng không rõ nguồn gốc, rượu sản xuất thủ công bị pha cồn công nghiệp. “Dù đã được cảnh báo nhưng trong thời gian gần đây, số ca ngộ độc rượu methanol có xu hướng gia tăng. Ngộ độc rượu vẫn là bài toán khó giải, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: ĐT

Xử trí khẩn cấp các trường hợp bị ngộ độc rượu

Theo các chuyên gia y tế, khi gặp trường hợp người bị ngộ độc rượu có dấu hiệu bất tỉnh, nhịp thở ít hơn 8 lần trong mỗi phút hoặc đã lặp đi lặp lại tình trạng nôn không kiểm soát được thì phải gọi điện thoại khẩn cấp ngay cho đơn vị y tế tại địa phương.

Cần lưu ý một người đã bị bất tỉnh sau khi uống rượu hoặc đã ngừng uống rượu thì rượu vẫn được xâm nhập vào máu, nồng độ rượu ở trong cơ thể vẫn tiếp tục gia tăng; vì vậy không bao giờ chủ quan nhận định người uống rượu sẽ ngủ đi trong tình trạng ngộ độc rượu. Nếu người bị ngộ độc rượu còn ý thức, nhân viên y tế có thể hướng dẫn chăm sóc tại nhà hoặc nên đến trực tiếp bệnh viện; các thông tin cung cấp đều được nhân viên y tế giữ bí mật nên người bị ngộ độc rượu hay người thân hãy sẵn sàng cung cấp thông tin cần thiết như: Loại rượu uống, số lượng uống và uống khi nào...

Không nên để người ngộ độc rượu bị bất tỉnh ở một mình. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của y tế không nên cố gắng làm cho người ngộ độc rượu nôn mửa vì họ đã giảm phản xạ và có thể sặc chất nôn, hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi gây tổn thương và tử vong. Khi ngộ độc rượu không nên cho nạn nhân dùng các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc được chất độc kịp thời sẽ làm tổn thương nghiêm trọng thêm, lâu ngày có thể bị xơ gan, ung thư gan.

Khi thấy người bị ngộ độc rượu, cần xử trí sơ cứu bằng cách cho nạn nhân nằm đầu thấp để làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng và cứ vài giờ phải đánh thức nạn nhân dậy để cho ăn cháo. Nên cho nạn nhân uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước, uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh; có thể cho uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... có thể giải được tình trạng ngộ độc rượu ở mức độ nhẹ. Lưu ý khi bị ngộ độc rượu không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, mật ong vì có hại hơn là có lợi và dễ bị nhiễm trùng. Cũng không nên để người bị ngộ độc rượu đi tắm ngay vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp...

Cần đưa người bị ngộ độc rượu đến ngay cơ sở y tế để xử trí cấp cứu nếu có biểu hiện như: Nôn liên tục, đặc biệt trong dịch nôn có máu; lay gọi nhưng không tỉnh sau 2 - 3 giờ; vã nhiều mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu; co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực