Chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trong công tác giám định tư pháp

Thứ sáu, 06/07/2018 16:51
(ĐCSVN) – Thời gian qua, tiến độ xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm, một phần là do công tác giám định tư pháp kéo dài, thậm chí còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị triển khai Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 6/7, tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho hay: Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác giám định, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, một số vụ án kinh tế, tham nhũng, cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định, nhưng phải sau một thời gian dài thì cơ quan giám định mới cử giám định viên tham gia giám định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH).

Thậm chí, một số giám định viên không hợp tác, “né tránh” việc tham gia tố tụng để trình bày, bảo vệ kết quả giám định tại phiên tòa trong trường hợp cần thiết ở một số vụ án lớn, nhất là án tham nhũng, kinh tế, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá kết luận giám định trong quá trình tranh tụng và xét xử vụ án.

Trong khi đó, trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, năng lực, kinh nghiệm của một số giám định viên trong lĩnh vực này còn hạn chế và kiêm nhiệm các công việc khác.

“Việc tiến hành giám định rất chậm, kéo dài, nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về thời hạn điều tra, có vụ án phải tạm đình chỉ điều tra chờ kết quả giám định”, ông Các thẳng thắn nêu.

Ông Hoàng AnhTuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Viện  Kiểm sát nhân dân tối cao) chỉ rõ: Đối với các trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì Thông tư liên tịch 01 lại chưa quy định thời hạn cụ thể mà chỉ quy định chung chung là “thời hạn giám định thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định” dẫn đến có nhiều vụ việc kéo dài.

Từ thực tế công tác giám định tư pháp tại Hà Nội, Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công an sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Có chiến lược đầu tư trang bị phương tiện hiện đại cho các Phòng Kỹ thuật hình sự (đặc biệt ở những đô thị lớn) để đáp ứng tốt yêu cầu công tác trong tình hình mới...

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, lĩnh vực giám định tư pháp khó, phức tạp; nếu không nâng cao nhận thức và quan tâm thì khó đạt hiệu quả. Do đó, việc triển khai Đề án này nhằm tạo chuyển biến, động lực mới trong công tác này và trong phòng chống tội phạm.

Theo đó, cần có giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp. Đề nghị Bộ Công an, Y tế, Quốc phòng tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giám định viên tư pháp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; củng cố trang thiết bị phục vụ công tác giám định tư pháp; đặc biệt vai trò của Bộ Tài chính trong điều tiết để kết quả giám định tư pháp phản ánh thực chất vấn đề.

“Đề nghị Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trong công tác giám định tư pháp”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực