Chiến sự leo thang tại Libya bất chấp mối đe dọa dịch COVID-19

Thứ sáu, 27/03/2020 22:28
Chiến sự tiếp tục leo thang tại Libya trong ngày 27/3 sau khi thủ đô Tripoli trải qua một đêm bom đạn dày đặc, đe dọa nghiêm trọng những nỗ lực phòng, chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của quốc gia Bắc Phi này.
Binh sĩ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) xung đột với lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA) tại mặt trận Ain Zara ở Tripoli ngày 13/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN.

Hãng tin Reuters dẫn lời người dân địa phương cho biết từ đêm 26/3, thủ đô Tripoli rung chuyển do nhiều vụ nổ lớn, tiếng đạn pháo vang dội toàn thành phố đến sáng 27/3. Đụng độ cũng đã xảy ra tại phía Tây Libya - nằm giữa Tripoli và khu vực biên giới giáp Tunisia, vùng ngoại ô phía Nam của thủ đô và khu vực giữa thành phố Sirte (Xơ-tê) và Misrata (Mi-xra-ta) ở phía Đông Tripoli.
 
Trước tình hình căng thẳng leo thang tại Libya, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành họp trực tuyến để thảo luận tình hình Libya và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL). Bà Stephanie Williams (Xtê-pha-ni Uy-li-am), quyền Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu UNSMIL, bày tỏ quan ngại về việc lệnh ngừng bắn tạm thời ở Libya đạt được ngày 21/3 vừa qua đã ngay lập tức bị vi phạm. Bà lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Libya, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tại Libya chấm dứt chiến sự và bảo đảm cho các hoạt động nhân đạo và y tế ở nước này.
 
Như vậy, trong cả tuần qua, tình trạng xung đột nghiêm trọng giữa Quân đội miền Đông Libya (LNA) do Tướng Khalifa Hafta (Kha-li-pha Háp-ta) chỉ huy và quân đội Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận đã tái diễn sau nhiều tuần im ắng, bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên liên quan tại Libya kiềm chế để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ngày 23/3 vừa qua, Libya xác nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này.
 
Sau nhiều năm bạo lực và bất ổn, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế của Libya gần như bị phá hủy hoàn toàn khi bệnh viện và các cơ sở y tế đều đã trở thành mục tiêu tấn công. Nhiều bác sĩ và y tá không được trả lương từ tháng 12/2019 đến nay.  Do đó, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại về khả năng ứng phó của Libya một khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này./.
Theo TTX VN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực