Chính phủ Pháp thừa nhận điểm yếu an ninh sau các vụ bạo động

Thứ hai, 18/03/2019 14:37
Ngày 17/3, Chính phủ Pháp thừa nhận các biện pháp an ninh chưa đủ chặt chẽ để ngăn chặn những nguy cơ, dẫn tới tình trạng bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình diễn ra trước đó một ngày dọc đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris.
Người biểu tình "Áo vàng " đốt phá cửa hàng trên đại lộ Champs-Elysees
ở Paris, Pháp,ngày 16/3. Ảnh: THX/TTXVN


Trong các cuộc biểu tình hôm 16/3, lực lượng cảnh sát hoàn toàn bị đám đông người biểu tình lấn át và không thể ngăn chặn được các hành động bạo lực, phá hoại, khiến khoảng 80 cửa hàng và doanh nghiệp đã bị đập phá. Theo Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (Ê-đu-a Phi-líp) có những thiếu sót an ninh cần phải được điều chỉnh. Văn phòng Thủ tướng thông báo kết quả phân tích về những vụ biểu tình bạo động ngày 16/3 chỉ ra các biện pháp an ninh chưa đủ hiệu quả để ngăn chặn bạo lực và những hành động sai trái. Thủ tướng Philippe trong cuộc gặp Tổng thống Emmanueal Macron (Em-ma-nuy-en Ma-crông) sáng 18/3, cũng đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường năng lực để đảm bảo các đơn vị an ninh sẵn sàng phản ứng quyết liệt trong mọi tình huống.

Từ sáng sớm 16/3, khoảng 10.000 người “Áo vàng” đã có mặt tại Paris để bắt đầu tuần biểu tình thứ 18. Tuy nhiên, khác với vài tuần yên ắng trước đó, hàng nghìn đối tượng mặc đồ đen và đeo mặt nạ đen đã hòa vào dòng người biểu tình và thực hiện những hành động cướp bóc và phá phách, tấn công các lực lượng cảnh sát. Tính đến nay, 200 đối tượng quá khích đã bị bắt giữ. Cảnh sát Paris cho biết 60 người đã bị thương trong các vụ đụng độ, trong đó có 17 nhân viên cảnh sát, 1 lính cứu hỏa và 42 người biểu tình. 

Ngay sau khi các cuộc biểu tình diễn ra, Tổng thống Macron đã kêu gọi có hành động mạnh tay để trấn áp những cuộc biểu tình kiểu này. Ông Macron đã phải cắt ngắn chuyến du lịch trượt tuyết để trở về thủ đô Paris chủ trì cuộc họp khẩn chiều 16/3. Các doanh nghiệp bán lẻ bắt đầu cảm thấy "chán ngán" các cuộc biểu tình chóng chính phủ đã diễn ra liên tục trong các dịp cuối tuần suốt gần 5 tháng qua.

Ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (Bruy-nô Lơ Me) sẽ chủ trì cuộc họp với các tổ chức thương mại và chủ lao động cũng như các nhà bảo hiểm để thảo luận về các tác động kinh tế từ những vụ biểu tình. Hồi tháng trước, ông Le Maire ước tính biểu tình có thể khiến tăng trưởng kinh tế Pháp giảm 0,2%. Ngày 19/3, cả ông Le Maire và Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner (Cri-xtốp Ca-xta-nê) sẽ phải ra điều trần trước hai ủy ban Thượng viện Pháp khi để xảy ra các sự cố ngày 16/3.

Cuộc biểu tình thứ 18 của phong trào “Áo vàng”, tập hợp 32.300 người trên toàn nước Pháp so với hơn 28.600 người tuần trước đó, diễn ra chỉ một ngày sau khi cuộc thảo luận quốc gia kết thúc. Là sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm tìm giải pháp cho những bất đồng sâu sắc trong xã hội Pháp, cuộc thảo luận quốc gia kéo dài 2 tháng từ 15/1 đến 15/3 đã thu thập được hàng triệu ý kiến đóng góp của người dân về mọi vấn đề và khó khăn trong cuộc sống. Theo dự kiến, Tổng thống Macron sẽ đưa ra kết luận vào tháng 4 tới, trong đó nêu rõ quan điểm và những phương hướng hành động của chính phủ./.
 

Lê Ánh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực