Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thứ sáu, 13/10/2017 21:58
(ĐCSVN) - Chiều 13/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các thành viên Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị bầu cử số 1, TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc tiếp xúc cử tri Quận 1, 3, 4 (TP. Hồ Chí Minh).

Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP.Hồ Chí Minh đã kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề về phòng chống tham nhũng lãng phí, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế, mở rộng hình thức tố cáo, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề y tế, việc triển khai các dự án BOT, chính sách với người có công, vấn đề an ninh mạng…

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thay mặt Tổ đại biểu ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến của cử tri và cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến của cử tri để kiến nghị lên Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp thu ý kiến của cử tri và trả lời một số vấn đề cử tri thắc mắc (Ảnh:VL)

Về vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; đổi mới, sắp xếp chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, trùng lắp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kết quả còn chưa đạt được yêu cầu, chỉ tiêu chúng ta mong muốn. Việc bổ nhiệm số lãnh đạo cấp phó còn nhiều, có những trường hợp chưa đúng quy trình thủ tục trong quy hoạch, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ…

Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) mới đây đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó đã đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; năng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và cải cách chế độ tiền lương.

Chủ tịch nước cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể của Nghị quyết trên, trong đó đến năm 2021, sửa đổi, bổ sung một số quy định cần thiết liên quan đến tổ chức bộ máy và cơ bản hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp phó. Thực hiện thí điểm và sơ kết, tổng kết một số mô hình mới về tổ chức bộ máy để tinh gọn đầu mối. Tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định và sắp xếp hợp lý thôn, tổ dân phố.

Từ năm 2021 và những năm tiếp theo, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương của Đảng liên quan đến đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố theo các tiêu chuẩn quy định.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cho nhiều ý kiến về các giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện với tinh thần cái gì đã rõ rồi thì kiên quyết làm và làm ngay; cái gì thấy chưa đủ chín, có thể làm thí điểm, trên cơ sở tổng kết thí điểm sẽ triển khai rộng rãi; làm có lộ trình với quyết tâm chính trị cao. Nếu không làm được việc tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế thì khó có thể nói là cải tiến, cải cách được chế độ tiền lương...". 

Đối với vấn đề chống tham nhũng, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đây là vấn đề được toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự nỗ lực phối hợp tốt của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Cho rằng tham nhũng còn có những diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần phải tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thường xuyên, có hiệu quả hoạt động thanh tra trong thực thi công vụ, nhất là công tác cán bộ. Cần công khai minh bạch kê khai tài sản, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát. Bên cạnh đó phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cần phải kiên trì, kiên quyết và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy tham nhũng ra khỏi cuộc sống” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện thân mật với cử tri (Ảnh: VL)

Đối với an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch nước cho biết, đây là nội dung đã được Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao. Mặc dù công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai nhiều giải pháp, song tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn khá phức tạp, đe dọa sức khỏe, cuộc sống của người dân. Trong thời gian tới, Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương cần phải có quyết tâm mạnh mẽ, xử lý nghiêm vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm, để người dân được ăn sạch, uống sạch, không lo sợ thực phẩm mất vệ sinh, không lo ngại việc bị ngộ độc thực phẩm.

Đối với việc chăm sóc,bảo vệ sức khỏe của người dân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, cần phải quan tâm tới nhiều vấn đề, trong đó có khám, chữa bệnh, mà trong khám chữa bệnh thì phải có việc sử dụng thuốc. Vừa qua, vụ án liên quan đến việc nhập khẩu thuốc chữa ung thư không đảm bảo chất lượng đã được đưa ra xét xử tại TP. Hồ Chí Minh. Dư luận nhìn chung chưa đồng tình với bản án mà tòa đã tuyên. Nhiều vấn đề còn chưa được làm rõ. Các cơ quan chức năng đã kháng án, đề nghị đưa vụ án ra xét xử lại trên cơ sở phải tiếp tục điều tra một số vấn đề mà chưa được làm rõ. “Trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cấp phép, các thủ tục liên quan đến việc cho phép nhập khẩu loại thuốc này để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Y tế và công khai cho cử tri cả nước được biết”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về các dự án công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, về chủ trương là đúng đắn, góp phần cải thiện hạ tầng cơ sở, cải thiện kinh tế - xã hội và nhiều nơi triển khai rất có hiệu quả, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước nếu làm hoàn toàn đúng với định hướng chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ. Tuy nhiên, triển khai trong thực tế, việc lựa chọn dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn thiếu minh bạch; công tác thiết kế còn sai sót, thẩm định chưa chặt chẽ. Việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý dẫn đến một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt của nhân dân các vùng có đặt trạm thu phí không hợp lý.

Về hướng giải quyết, Chủ tịch nước cho biết, Trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra toàn diện tất cả các dự án BOT. Phải tiến hành nhiều giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật và khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên. Cần tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư nói chung, hình thức hợp đồng BOT nói riêng thời gian qua để đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả. Riêng các dự án đã phát hiện ra sai sót, vi phạm, phải tập trung xây dựng các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Trả lời ý kiến của cử tri về việc hiện nay có nhiều thông tin trái ngược nhau, nhất là trên các trang mạng xã hội có những thông tin xấu độc làm người dân tiếp cận cảm thấy hoang mang, Chủ tịch nước cho biết, việc quản lý mạng xã hội còn bất cập. Hiện nay, cơ quan chức năng Trung ương đang nghiên cứu một loạt giải pháp để làm sao mọi người tiếp cận được thông tin chính xác; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đưa thông tin nhiễu động, xấu độc làm ảnh hưởng đến tình hình và lợi ích đất nước; bịa đặt, bôi nhọ, gây thiệt hại, ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân khác.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, chúng ta khi tiếp cận thông tin phải cảnh giác để phòng tránh được những thông tin xấu độc, đồng thời cần tạo ra môi trường an ninh, an toàn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước./.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực