Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Thanh Hóa cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực

Thứ hai, 20/02/2017 23:24
Ngày 20/2, tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2016; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Trung tâm kinh tế khu vực Bắc Trung bộ

Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ năm cả nước (diện tích 11.120 km2), dân số trên 3,5 triệu người (đứng thứ ba cả nước); có 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 11 huyện, dân số trên 1 triệu người. Đảng bộ tỉnh có 34 đảng bộ trực thuộc, có 1.724 tổ chức cơ sở đảng, với 217.918 đảng viên (đứng thứ hai cả nước, sau thành phố Hà Nội).

Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,05%, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 1.620 USD. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,1%. Toàn tỉnh có 1 huyện, 158 xã và 300 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.589 tỷ đồng, vượt 1,7% kế hoạch; tỉnh có 1.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa đón 6,3 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ (khách quốc tế tăng 18,5%); vận tải hành khách của Cảng hàng không Thọ Xuân gấp 1,6 lần năm 2015 (đạt 820 nghìn lượt người). Xuất khẩu đạt 1,737 tỷ USD, vượt 7,2% kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 12.300 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 189 dự án (trong đó có 11 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 26.731 tỷ đồng và 155 triệu USD, tăng 74 dự án và gấp 2,1 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ. Một số dự án lớn đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh có nhiều bước chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 11% (giảm 2,5%); giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tốt nhất trong nhiều năm gần đây; thể thao thành tích cao tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước. Quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các sự kiện lớn, quan trọng của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực; các thể chế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra đã được ban hành, cơ bản hoàn chỉnh ngay từ năm đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện, bảo đảm cho phát triển nhanh và bên vừng hơn trong những năm tới.

Đồng tình với ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đồng tình với đánh giá một số khó khăn, hạn chế hiện nay của Thanh Hóa như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng chưa bền vững; hiệu quả của nền kinh tế và thu nhập bình quân trên đầu người còn thấp so với trung bình cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi còn cao, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh Thanh Hóa khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững. “Tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; chú trọng phát triển theo chiều sâu để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh; lựa chọn và ưu tiên nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực để tạo sức lan tỏa phát triển chung của cả tỉnh; tăng cường phối hợp, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu.

Phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước

Trong năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600 USD (năm 2017 đạt 1.750 USD); tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 615 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 2 tỷ USD trở lên (kế hoạch năm 2017 đạt 1,85 tỷ USD). Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 35%; tỷ lệ xã đạt nông thôn mới năm 2020 đạt 60% trở lên (năm 2017 đạt 35,4%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 đạt 13.512 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.312 tỷ đồng... Mục tiêu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là phấn đấu đển năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, tạo nền tảng đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng 5 chương trình trọng tâm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Cùng đó, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện 4 đột phá trong nhiệm kỳ: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư; Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã nêu ra 9 kiến nghị đề nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang quan tâm và có ý kiến ủng hộ: (1). Bố trí số vốn còn thiếu trong giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để sớm thông tuyến đường bộ ven biển, tăng tính kết nối, phát triển các khu vực ven biển. (2). Giữ lại 50% phần tăng thu hằng năm để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn. (3). Đưa một số dự án giao thông thông thương, liên kết quan trọng vào các chương trình, dự án Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hoặc nguồn vốn ODA để sớm triển khai thực hiện. (4). Quan tâm cho đô thị động lực Tĩnh Gia, Thanh Hóa được tham gia thực hiện dự án Chuỗi đô thị động lực Ninh Bình - Tĩnh Gia - Kỳ Anh. (5). Nâng cửa khẩu phụ Khẹo thành cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế sau năm 2020. (6). Bổ sung nguồn vốn hỗ trợ để hoàn thành xây dựng xã Mường Chanh theo mục tiêu Đề án “Xây dựng xã Mường Chanh là xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2015”. (7). Tăng mức hỗ trợ hằng năm để sớm hoàn thành công tác di dân tái định cư, ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân. (8). Hỗ trợ một phần kinh phí cho Dự án tuyến đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020. (9). Hỗ trợ một phần kinh phí cho Dự án đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa phải quan tâm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; ưu tiên nguồn lực để tập trung phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch, nhất là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đi cùng với đó là nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, xây dựng nông thôn mới. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh Thanh Hóa phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn, phát huy các bản sắc văn hóa, chăm lo nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp; xây dựng chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; quan tâm xử lý tốt các điểm ô nhiễm môi trường, không để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương của nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới Việt - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Tỉnh Thanh Hóa cũng cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, gắn với triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa là rất cụ thể, xác đáng, thiết thực, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, vì vậy đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Chủ tịch nước cũng ghi nhận những mục tiêu của tỉnh đề ra trong năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020 “phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” là rất tích cực, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ khởi công công trình đường giao thông ven biển nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (Giai đoạn 1). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Trong chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 20/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đã dự lễ và phát động khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông ven biển nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng, quy mô đường cấp III đồng bằng, bao gồm tuyến chính dài gần 17 km và tuyến nhánh dài hơn 3,1 km đi qua thị xã Sầm Sơn và huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), nằm trong dự án đường bộ ven biển Việt Nam. Điểm đầu của dự án là thôn Xuân Phương (xã Quảng Châu, thị xã Sầm Sơn), điểm cuối tại thôn Bình (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương).

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đã đi thăm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa)./.
Đức Dũng - Duy Hưng/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực