Chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”

Thứ hai, 06/11/2017 16:05
(ĐCSVN) - Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ. Việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng.

Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo  của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng 2017. Đây là lần đầu tiên nội dung này được truyền hình trực tiếp đến cử tri.

Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi

Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, năm 2017 đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cải cách hành chính được triển khai quyết liệt; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; các ngành, các cấp đã tích cực quan tâm triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh.

Báo cáo cho thấy, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 hơn 1,113 triệu người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai hơn 1,111 triệu bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được, tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.  Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp; vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp…

Việc xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: TH).


Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá: Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ các mặt về công tác PCTN; nêu những ưu điểm, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, Báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác PCTN năm 2017; chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và nhất là cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác PCTN. Một số văn bản chất lượng chưa cao, còn sơ hở, dễ bị lợi dụng để lợi ích nhóm, tham nhũng.

Theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận…

Trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, đặc biệt là hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm. Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma…

Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc chuyển đổi đối với một số vị trí công tác chưa phù hợp, nhất là ở các vị trí chỉ có một cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm hoặc vị trí công tác đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao; một số trường hợp việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”; có trường hợp điều động, bổ nhiệm cán bộ thiếu nhiều điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, đặc biệt là chưa đáp ứng điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, bằng cấp, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế, bố trí người thân trong gia đình vào vị trí vi phạm pháp luật PCTN, có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà.

Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Xử lý cán bộ tham nhũng không thể theo kiểu “rung cây dọa khỉ” mãi được!

Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban tư pháp (UBTP) tán thành với đánh giá rất nghiêm túc của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN và cho rằng, nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ. Việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ còn để kéo dài. Có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng.

Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao… Những hạn chế nêu trên đã tồn tại qua nhiều năm, UBTP đã kiến nghị và yêu cầu khắc phục nhưng đến nay còn chậm chuyển biến.

“Bên cạnh việc chống các hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, năm 2018, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trong đó tập trung vào việc nhận diện, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của loại hình tham nhũng này để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn”, UBTP kiến nghị.

Thảo luận tại Hội trường, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thẳng thắn chỉ ra, việc công khai minh bạch tài sản của cán bộ có chức vụ, quyền hạn thời gian qua còn hình thức, nếu phát hiện vi phạm chỉ coi là thiếu sót, rút kinh nghiệm hay xin lỗi. “Việc chấp hành không nghiêm về pháp luật phòng chống tham nhũng của cán bộ khiến dư luận, cử tri bức xúc”, ĐB Phương bày tỏ .

Nhận định vừa qua, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống giặc nội xâm này. Tuy nhiên,ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện đã vạch mặt ra những con mèo ăn vụng của dân, của nước. Hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử. Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý.

“Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội?”, ĐB Thắng đặt câu hỏi.

“ Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được”, ĐB bày tỏ./.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2017, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 177% số vụ, 117% số đối tượng so với năm 2016).

- Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can so với cùng kỳ năm trước tăng 60 vụ, 103 bị can).

- Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 255 vụ, 571 bị can (trong đó án mới 215 vụ, 527 bị can); đã giải quyết 222 vụ, 488 bị can, đạt tỷ lệ 86,6 %, giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Truy tố 219 vụ, 481 bị can, chiếm 98,6% tổng số án đã giải quyết.

- TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ). Có 08 bị cáo bị tuyên án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016).

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực