Cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh: Thời điểm chín muồi

Thứ hai, 20/11/2017 16:24
(ĐCSVN) - Sáng 20/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 20/11 (Ảnh: quochoi.vn)


Thời điểm chín muồi

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để tạo cơ chế tăng phân cấp, phân quyền, tạo động lực cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển với vai trò là trung tâm, là đầu tàu động lực kinh tế phát triển của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh: đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi từ chủ trương của Bộ Chính trị, báo cáo đề nghị giải trình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến nội dung Tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết của Quốc hội là quá trình chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và đầy trách nhiệm, thể hiện sự cần thiết, tính cấp bách của vấn đề.

Đại biểu nói: “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Vậy, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì hơn 30 năm đổi mới, cơ chế chính sách phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh tương tự như các địa phương khác trong cả nước. Chính cơ chế, chính sách hiện hành này đã không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Do đó, có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan và công bằng”.

Trong phát biểu của mình, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, các cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đáng lẽ phải sớm được ban hành để sớm hỗ trợ Thành phố về nguồn lực, xứng đáng với tầm và vị thế vốn có của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong tình hình Thành phố Hồ Chí Minh có quá đông người đến sinh sống và làm việc làm phát sinh thêm nhu cầu phục vụ về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục...

Đại biểu cũng mong muốn Quốc hội cần đề nghị, Chính phủ tổ chức rà soát những tiềm năng lợi thế, những khó khăn, hạn chế và những rào cản làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng tỉnh, từng thành phố và sớm có nghiên cứu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách thống nhất, minh bạch, tạo sự chủ động phát triển của các tỉnh, các thành phố.

Theo đại biểu, việc tạo cơ chế riêng cho thành phố không phải là ưu đãi thêm cho địa phương một phần tư chiếc bánh ngân sách mà đây chỉ ví như một liều thuốc khỏe cần thiết mà giao cho thành phố tự tìm cho mình để giúp cho thành phố có đủ sức tiếp tục gồng gánh và neo kéo những toa tàu để tiếp tục cuộc hành trình.

Nhấn mạnh không có thời điểm nào phù hợp hơn, đại biểu nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tầm nhìn sẽ quyết định phương thức, tư duy và cách thức chúng ta hành động tại thời điểm hiện tại". Thành phố Hồ Chí Minh không phải của riêng nhân dân thành phố mà thành phố mang tên Bác là của nhân dân cả nước.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng nói “đáng lý cơ chế này phải có từ lâu để cởi trói cho thành phố và cho nhiều tỉnh, đặc biệt những thành phố trực thuộc Trung ương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, còn Hà Nội chúng ta đã có Luật Thủ đô rồi. Một thời chúng ta đầu tư dàn thì ngay lúc này cũng phải cần thiết tập trung thật sâu, tạo động lực mạnh mẽ cho các mũi nhọn thật sự và chính cơ chế này minh chứng cho việc chúng ta đầu tư vào mũi nhọn để tạo sự lay chuyển chung đó thì sự cần thiết đương nhiên và chủ trương này tôi tán thành không bàn gì thêm”.

Tăng thuế, phí phải được sự đồng thuận của người dân

Thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chính sách thuế, phí, lệ phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp nhấn mạnh việc thí điểm cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách là chính sách có tính chất đột phá và đem lại nguồn thu lớn cho thành phố. Tuy nhiên, chính sách này chắc chắn sẽ có những tác động rất lớn và tác động trực tiếp tới một bộ phận không nhỏ các tập thể, các cá nhân là người dân, là các doanh nghiệp. “Chúng ta cần lường trước những phản ứng tiêu cực của các đối tượng bị tác động, mặc dù đây là sự chờ đợi, sự mong đợi của nhân dân thành phố. Khi tăng các hình thức thuế và phí thì chắc chắn sẽ tác động” – đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, cần phải tính đến vấn đề có tăng, có giảm. “Tôi nghĩ tăng thì có thể tăng nguồn thu, nhưng giảm mà lại tăng đối tượng thu lên thì tổng cuối cùng vẫn tăng. Bên cạnh mục tiêu tăng thu ngân sách nên chăng có thể coi chính sách thuế có ý nghĩa điều tiết và là một trong những động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố. Vấn đề đặt ra là không chỉ quan tâm mục tiêu phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng mà cần quan tâm mục tiêu phát triển về giáo dục, văn hóa, y tế, sự ổn định của xã hội và bảo vệ môi trường sống an toàn để hướng tới xây dựng một thành phố đáng sống, từ đó cần cân nhắc lựa chọn chính sách tăng, giảm thuế một cách hợp lý. Ví dụ, giảm thuế cho những lĩnh vực đầu tư nào cần khuyến khích đầu tư và tăng thuế ở những lĩnh vực nào, có thể những lĩnh vực đó làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển chung của thành phố” – đại biểu nói.

Về nguyên tắc, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc là cần phải bảo đảm sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, đòi hỏi phải triển khai chính sách này một cách thận trọng, chặt chẽ và nhất là sự minh bạch; phải đánh giá tác động một cách thật kỹ lưỡng, trước khi triển khai chính sách, tránh gây bức xúc, tránh gây những phản ứng không đáng có từ phía người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, đi kèm với việc tăng thuế, cần phải nghiên cứu kỹ việc có những cơ chế thông thoáng hơn, dịch vụ công tốt hơn, môi trường hoạt động thuận lợi hơn, nhất là việc minh bạch trong thông tin, công bằng trong cách ứng xử, đây là điều các doanh nghiệp và người dân thành phố mong đợi.

Về vấn đề này, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị thành phố cân nhắc bởi tăng là tự đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình, cho nên trong quá trình tác nghiệp thành phố phải lấy ý kiến của dân và xem xét việc này thật kỹ càng và tính toán các mức độ.

Cũng ủng hộ việc cho phép thành phố chủ động tăng một số sắc thuế và phí phù hợp với nguồn thu và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị, cần phải bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xây dựng đánh giá tác động, thẩm định và thông qua. “Mở rộng phản biện xã hội với các chính sách này theo đúng quy định của luật. Tránh tùy tiện lạm dụng tăng thuế, phí gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của người dân” – đại biểu đề nghị.

Không chỉ thành phố, cả nước sẽ được hưởng lợi

Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình về các vấn đề được đại biểu nêu.

Trong đó, về nội dung các cơ chế chính sách thí điểm cho thành phố, Bộ trưởng cho biết nội dung các cơ chế chính sách được đề xuất chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền của các vấn đề này của cơ quan cấp trên, nay phân quyền cho thành phố thực hiện.

Bộ trưởng cho rằng một số đại biểu còn băn khoăn liên quan đến phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính ngân sách, đặc biệt đề xuất cho thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản là xác đáng.

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định: “khi đề xuất nội dung này Chính phủ và thành phố đã lường trước các vấn đề nảy sinh do vậy trong dự thảo nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế tối đa đến sản xuất lưu thông hàng hóa trên thị trường cả nước. Tập trung thu đối với hàng hóa thu nhập phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

Cũng theo Bộ trưởng, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế mà thành phố phải xây dựng đề án cụ thể như là tăng ở thuế suất nào, tăng mức đối tượng chịu thuế, đánh giá đầy đủ các chính sách, tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân và tác động xã hội khác. Báo cáo Hội đồng nhân dân, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nếu cần thiết để xem xét quyết định.

Về thuế tài sản, Bộ trưởng cho biết, đây là sắc thuế mới khó, cần có sự đồng bộ của các lĩnh vực quản lý khác, đồng thời cần sự đồng thuận nên cần phải có thí điểm để tổng kết nhân rộng.

Mặt khác, đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội nên mở rộng đối tượng thu thuế ở những chính sách thuế hiện có, tập trung vào chính sách thuế điều tiết tiêu dùng trên địa bàn thành phố của các mặt ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sản xuất kinh doanh, mặt hàng có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cường các biện pháp chống thất thu và quản lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá và gian lận thương mại và sẽ phối hợp các cơ quan Quốc hội và thành phố để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết.

Về tác động của nghị quyết, theo Bộ trưởng, khi xây dựng dự thảo nghị quyết đã bàn và thống nhất với thành phố để cơ chế chính sách được đề xuất cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công trong kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 được Quốc hội thông qua, không ảnh hưởng đến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng cho biết, “từ nay đến năm 2020 thành phố vẫn tiếp tục điều tiết về trung ương với tỷ lệ hiện hành. Ngân sách trung ương cũng không cam kết bổ sung thêm kinh phí cho thành phố và thực tế chúng ta muốn cũng rất khó khăn và chúng tôi cho rằng không thực hiện được vì khó cân đối ngân sách trung ương”...

Về việc nâng mức dư nợ vay của thành phố, Bộ trưởng giải trình: Ước dư nợ vay của thành phố đến 31/12/2017 khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng 40% mức dư nợ vay cho phép hiện hành là không quá 70% thành phố được hưởng theo phân cấp. Nếu nâng mức dư nợ vay trên 90% tính theo dự toán 2018 thì dư nợ vay của thành phố khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP so với quy định hiện hành. Việc tăng mức giới hạn dư nợ vay đảm bảo cho Thành phố Hồ Chí Minh có thêm dư địa vay và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến theo các hiệp định đã ký trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh vay lại từ nguồn này khoảng 1 tỷ đô la để đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Bộ trưởng cho hay: “Hàng năm căn cứ vào mức trần nợ công đã được Quốc hội quyết định chúng tôi sẽ tổng hợp nhu cầu vay của các địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định, đảm bảo việc tăng mức vay của thành phố được đặt trong mối quan hệ với nhu cầu vay bội chi của các địa phương khác và yêu cầu giữ nợ công trong giới hạn cho phép”.

Về ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng thí điểm cho Hà Nội, Bộ trưởng cho biết, TP Hà Nội đã có Luật Thủ đô, Bộ Chính trị đã có kết luận về nghị quyết cho Thành phố Hà Nội. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách và hướng dẫn Luật Thủ đô, cụ thể hóa hơn kết luận của Bộ Chính trị và trình Quốc hội trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn Quốc hội ủng hộ thông qua nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh hơn, hiện đại, đóng góp nhiều hơn vào GDP và thu ngân sách cho cả nước. Khi đó không chỉ thành phố được lợi mà cả nước nói chung cũng sẽ được hưởng lợi”./.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực