Có nên mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi?

Thứ tư, 24/05/2017 15:04
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13,sáng 24/5.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  Nguyễn Thị Nga  cho biết: Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169),  UBTVQH nhận thấy, Bộ luật Hình sự(BLHS) năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, dự thảo Luật do Chính phủ trình đề nghị sửa quy định này theo hướng: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 03 tội nêu trên nếu thuộc loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án:

Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. 

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: TH)

Theo  Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 thực chất các em vẫn ở trong độ tuổi học sinh lớp 8,9.  Do đó những thay đổi trong chính sách hình sự theo hướng xử lý nghiêm như BLHS 2015 sẽ  ảnh hưởng rất lớn đến các em. Quốc hội chỉ nên thay đổi điều này nếu đưa ra được những căn cứ xác đáng.

Dẫn chứng số liệu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong 3 năm 2014 - 2016 cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, tức chia trung bình mỗi năm, mỗi địa phương chỉ có 1 em phạm tội gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Cũng trong 3 năm chỉ có 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm và 2 em bị truy tố về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, ĐB Thủy cho rằng  cần phải cân nhắc hơn. Theo bà, nguyên nhân trẻ em phạm tội chủ yếu là do chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình, có đến 10% là trẻ mồ côi, 11% có bố mẹ li hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng, và rất nhiều em có hoàn cảnh cả bố lẫn mẹ, hoặc bố hay mẹ nghiện ma túy, phạm pháp hình sự.

Bên cạnh đó, môi trường văn hóa, giải trí của các em chưa thật sự an toàn, các trang web đen tràn ngập hầu như không được kiểm soát… Do vậy đứng trước tình hình này, không chỉ xem xét hành vi phạm tội mà quan trọng cần tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội với các em.

ĐB Thủy nhấn mạnh, việc BLHS 2015 mở  rộng phạm vi  chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với đối tượng này là rất nặng, bởi trong giai đoạn này, các em còn bất ổn về tâm sinh lý, thiếu hiểu biết về pháp luật, xã hội dẫn đến hành vi lệch chuẩn.

Việc quy định như trên cũng cho thấy, không có sự phân hóa về trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội, đồng thời chưa phù hợp với xu hướng chung của quốc tế.

“Xử lý người chưa thành niên không  nên bằng thái độ quá nóng,  điều đó không có  nghĩa là chúng ta cưng chiều, mà phải bắt đầu bằng trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. Xử lý thế nào để các em có cơ hội quay trở lại con đường rất dài ở phía trước", ĐB Thủy chia sẻ. Trên cơ sở đó, ĐB kiến nghị,  người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng phương án 2 phù hợp với thực trạng đấu tranh phòng, chống tội  phạm vị thành niên.

Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong  5 năm gần đây, số lượng trẻ độ tuổi này  vi phạm pháp luật hình sự chiếm không đáng kể. Năm 2016, số lượng trẻ vị thành niên phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) chỉ chiếm chưa đến 1%, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) 2 năm liền kề trước đó không có trường hợp nào vi phạm, cho thấy không phải tội phạm này diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Một số ý kiến cũng cho rằng, xét góc độ tâm lý, sinh lý cần giáo dục hơn trừng phạt, tạo cơ hội tốt hơn đối với tương lai các em.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tri Thức (Thanh Hóa) lại nêu quan điểm, cần  đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để đảm bảo chính sách hình sự nhất quán, trong thời gian ngắn thay đổi, e rẳng cử tri băn khoăn.

Chỉ ra thời gian qua, bạo lực học đường, hiếp dâm ở người chưa thành niên có xu hướng gia tăng, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhấn mạnh: Để luật vừa nghiêm minh, vừa giáo dục thì người đủ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm cả tội ít nghiêm trọng.

"Ông bà ta nói thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Thời gian qua việc giáo dục tại cộng đồng không mấy kết quả, thậm chí sau cải tạo tại cộng đồng còn vi phạm ở mức độ cao hơn", ĐB Phúc nói.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tuổi từ đủ 14 đến 16 phạm tội là cá biệt, nhưng lại gây bất an cho số đông, tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ số đông.

“Luật xử nghiêm đối tượng này tức là xử một người để bảo vệ muôn người. Đó chính mới là điều nhân văn. Lợi ích tốt nhất của trẻ em là chúng ta xây dựng một xã hội lành mạnh", ĐB nhấn mạnh./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực