Có nên tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam?

Thứ năm, 04/04/2019 19:10
(ĐCSVN) – Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, e ngại việc tổ chức sản xuất, lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề, hệ lụy phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án.

Chiều ngày 4/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là quy định tổ chức cho phạm nhân sản xuất, lao động ngoài trại giam.

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về giao thông. Năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo giải trình,
tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). (Ảnh: TH)

Để giải quyết tình trạng khó khăn nêu trên, thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài trại giam. Tổng kết thực tiễn cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 01 phạm nhân bỏ trốn.    

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), liên quan đến quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động (Điều 33), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Từ thực tiễn nêu trên, UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 33 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân theo một số nguyên tắc nhất định.

Theo ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hộ của Quốc hội, mặc dù Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định, trách nhiệm của trại giam trong bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; việc phối hợp; các điều kiện cần thiết để tổ chức lao động ngoài trại giam. Song, ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng việc quy định thời gian phạm nhân đi lao động ngoài trại giam cần được tính toán, cân nhắc.

Đồng thời, cần quy định cụ thể, chặt chẽ cách thức tổ chức, xem xét về địa điểm, khoảng cách địa lý, trách nhiệm, tránh bị lạm dụng, cũng như các hệ luỵ khác xảy ra.

Theo ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết. Tuy nhiên, ĐB Mão lại bày tỏ băn khoăn về tính khả thi, cũng như bất ổn trong công tác quản lý phạm nhân thi hành án phạt tù.

ĐB Mão nêu lên một thực trạng khó khăn và cũng là tồn tại kéo dài trong công tác thi hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ hiện nay là tình trạng  phạm nhân vi phạm kỷ luật, mang vật cấm vào trại giam, đánh nhau và trốn khỏi nơi giam giữ. Do đó theo ĐB Mão, vấn đề đặt ra, khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam thì việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang điện thoại, vật cấm, thậm chí cả ma tuý sẽ rất phức tạp. Trong khi ngay cả việc trang bị các phương tiện kỹ thuật cho các các trại giam hiện còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thì không thể bố trí đủ kinh phí để trang bị phương tiện kỹ thuật kiểm soát đối với cơ sở sản xuất ngoài trại giam.

ĐB Mão cũng chỉ ra, việc tổ chức điểm lao động, cơ sở sản xuất ngoài trại giam cũng đồng nghĩa với việc dù ít hay nhiều trại giam phải bố trí thêm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, giữ gìn trật tự; điều này sẽ làm tăng biên chế cảnh sát trại giam, trái với việc cải cách tinh gọn bộ máy ngành công an đang thực hiện hiện nay.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu câu hỏi: Báo cáo thí điểm  của Bộ Công an được dựa trên căn cứ pháp lý nào? Tại sao không nêu rõ đến những khó khăn, bất cập trong việc tổ chức lao động ngoài trại giam?

Bên cạnh đó, ĐB Khánh cũng cho rằng các quy định còn chưa rõ ràng, chưa thấy công sức lao động của phạm nhân bỏ ra được trả đúng hay không, ý nghĩa, lợi ích của việc này?

Mặt khác, ĐB Khánh cũng băn khoăn đối với các trường hợp phạm nhân không được đưa ra các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam thì không có đối tượng phạm nhân tham nhũng, kinh tế, điều này làm dấy lên những e ngại có sự “mở” đối với nhóm tội phạm này. Trên cơ sở đó, ĐB Khánh đề nghị cần quy định cụ thể, minh bạch để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền con người.

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật, tuy nhiên ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị bổ sung không đưa các phạm nhân phạm tội có tính chất côn đồ ra lao động ngoài trại giam, bởi có thể gây tác động xấu cho xã hội…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực