Cử tri đánh giá kỳ họp Quốc hội linh hoạt, thành công cả về nội dung và hình thức

Thứ bảy, 20/06/2020 10:04
(ĐCSVN) - Kết thúc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri cho rằng mặc dù diễn ra trong điều kiện đặc biệt khi vừa phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn với dịch COVID-19 vừa phải thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng đây là một kỳ họp thành công về mặt nội dung và đổi mới tối giản về phương thức thực hiện.

Giải quyết tình thế linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Cử tri Vũ Quốc Đức (cán bộ hưu trí ở Hà Nội) đánh giá: Trong bối cảnh nước ta bước vào trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19, với việc chia kỳ họp làm 2 đợt, họp trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các địa phương kết nối với đầu cầu tại Quốc hội và một kỳ họp tập trung ngắn tại hội trường Quốc hội là một việc giải quyết tình thế linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Cử tri Vũ Quốc Đức (cán bộ hưu trí ở Hà Nội). Ảnh:  HV 

Cử tri Đức cho biết, khi theo dõi những phiên truyền hình trực tiếp của Quốc hội và nghe qua báo, đài thì thấy Kỳ họp này chất lượng không thay đổi gì so với các kỳ họp trước, chỉ khác một điều là kỳ họp này không có chất vấn đối với các thành viên Chính phủ.

“Mặc dù kỳ họp thiếu đi nội dung quan trọng là chất vấn các thành viên Chính phủ, nhưng tôi thấy nội dung này đã được lồng ghép trong hai ngày thảo luận về kinh tế- xã hội. Phần làm rõ một số nội dung nổi bật, nội dung còn tồn tại của các Bộ trưởng, trưởng ngành và thành viên Chính phủ đã đáp ứng được một phần mong mỏi của cử tri. Tuy nhiên, tôi mong muốn việc chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ trong các kỳ họp tiếp theo vẫn được Quốc hội duy trì để đáp ứng trông đợi của cử tri”-  cử tri Vũ Quốc Đức bày tỏ.

Những phát ngôn ấn tượng

Đánh giá cao về hình thức và cách thức tổ chức của Kỳ họp, nhưng điều để lại ấn tượng với cử tri trẻ Đỗ Tất Hoài (Giá Rai, Bạc Liêu) lại là những phát ngôn ấn tượng trong bài phát biểu của các đại biểu Quốc hội, đại diện bộ, ngành xoay quanh các vấn đề kinh tế, xã hội, hoặc khi tranh luận tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV lần này.

Cử tri Đỗ Tất Hoài chia sẻ rất ấn tượng với những phát ngôn của Đại biểu quốc hội như: “Cán bộ giàu nhanh từ đất, lụi tàn cũng vì đất”, “Bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”, "Dọn tổ cho đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ", “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra.”…

Cử tri Hoài mong muốn trong các Kỳ họp Quốc hội tiếp theo, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát biểu, tranh luận, thậm chí là tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề, làm tròn trách nhiệm mà cử tri gửi gắm thông qua Đại biểu Quốc hội.

Đây là kỳ họp rất thành công

Cũng chung nhận định khi nhận xét về Kỳ họp thứ 9 này, cử tri Phạm Vũ Quang (Bãi Cháy, Quảng Ninh) cho biết: Đây là kỳ họp rất thành công về mặt nội dung và đổi mới tối giản về phương thức thực hiện. Họp Quốc hội trực tuyến là phương thức mới, chưa có trong tiền lệ của Quốc hội, nhưng Quốc hội đã ứng dụng tốt công nghệ 4.0 để thực hiện thành công một mảng lớn công việc của kỳ họp. Việc họp trực tuyến chỉ khác về hình thức so với họp tập trung, các đại biểu vẫn dồn trách nhiệm, trí tuệ dành cho kỳ họp.

“Trên cơ sở thành công của Kỳ họp thứ 9 này, tôi cho rằng nên nghiên cứu để tiếp tục tổ chức họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến với khoảng thời gian nhất định và lựa chọn những nội dung phù hợp, nhằm giảm bớt thời gian đi lại không cần thiết của hàng trăm đại biểu, góp phần tiết kiệm chi phí so với việc tổ chức kỳ họp tập trung hoàn toàn”- cử tri Phạm Vũ Quang mạnh dạn bày tỏ quan điểm.

Theo cử tri Phạm Vũ Quang, điểm nổi bật của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV là phiên truyền hình trực tiếp thảo luận về kinh tế- xã hội, so với các kỳ họp thảo luận về kinh tế xã hội lần này không những ngắn gọn, đáp ứng yêu cầu là 7 phút mà còn hạ xuống 5 phút. Nhưng các yêu cầu, nội dung của các đại biểu rất sâu sắc, phản ánh những vấn đề nóng nhất, những vấn đề mà cử tri quan tâm cần chuyển đến cho đại biểu Quốc hội, chuyển đến cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyển đến các Bộ, ngành cần có giải pháp xử lý.

leftcenterrightdel
Cử tri Phạm Vũ Quang (Bãi Cháy, Quảng Ninh). Ảnh: ĐT

Thông qua Nghị quyết có ý nghĩa rất thiết thực

Một vấn đề khác cũng được nhiều cử tri quan tâm và đánh giá cao tại Kỳ họp này đó là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cử tri Nguyễn Ngọc Yến (ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bày tỏ, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là rất đúng đắn có ý nghĩa rất thiết thực đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Nghị quyết sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức cá nhân, đặc biệt là các cơ quan lập pháp, giám sát quyết định những vấn đề quan trong như: công an, tòa án, viện kiểm sát và cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc để ngăn chặn, xử lý các trường hợp để tình trạng xâm hại trẻ em không thể xảy ra. Đối với cơ quan pháp luật hoặc lĩnh vực có liên quan đến soạn thảo về Luật cũng phải xem xét cần kiến nghị với Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi những vấn đề gì còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc những vấn đề gì trong quá trình xử phạt mà chưa xứng tầm để ngăn chặn răn đe các đối tượng.

Để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, cử tri Nguyễn Ngọc Yến cho rằng cần chú trọng công tác phòng ngừa là chính như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em…/.

Nhóm PV Thời sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực