Đã có hơn 82.000 phạm nhân, người hoãn án phạt tù được đặc xá

Thứ tư, 31/08/2016 16:49
(ĐCSVN) - Thực hiện Luật Đặc xá, từ năm 2009 tới nay, Nhà nước đã thực hiện 6 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 81.807 phạm nhân và 920 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí do
 Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 31/8 tại Hà Nội. Ảnh: ĐT

Thông tin trên được ông Ngô Đức Hưng, Phó Cục trưởng Cục C86 (Tổng cục VIII, Bộ Công an) đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 31/8 tại Hà Nội.

Báo cáo về chuyên đề đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực giáo dục, cải tạo phạm nhân; vấn đề đặc xá tha tù và tái hòa nhập cộng đồng, ông Ngô Đức Hưng cho biết, năm 2009, Nhà nước đã tổ chức hai đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 20.599 người; năm 2010 là 17.520 người; năm 2011 là 10.535 người; năm 2013 là 15.523 người; năm 2015 là 18.537 người.

Ngoài ra, trong các năm 2014 và 2015, Chủ tịch nước quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho 12 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Riêng về đặc xá trong năm 2016, ông Hưng cho biết dù chưa thể nói chi tiết nhưng năm nay vẫn sẽ có đặc xá cho phạm nhân.

Theo ông Ngô Đức Hưng, đặc xá là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ra, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và hàng vạn người lầm lỗi, biết ăn năn hối cải, hướng thiện để hoàn lương và có tác dụng tích cực trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm của quần chúng nhân dân.

Mặt khác, công tác đặc xá cũng giúp nhân dân trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Kết quả đặc xá khẳng định hiệu quả đổi mới trong công tác thi hành án phạt tù, nhất là sự đổi mới trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

Qua đặc xá đã khuyến khích phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, sớm về đoàn tụ với gia đình và hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh chính sách đặc xá, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù cũng rất được quan tâm. Trong đó, chú trọng giáo dục thông qua lao động và hướng nghiệp, dạy nghề luôn được quan tâm.

Công tác chuẩn bị hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân cũng được trại giam thực hiện nghiêm túc, nhiều trại giam đã phối hợp với Công an địa phương rà soát, cấp lại Giấy chứng minh nhân dân cho số phạm nhân chưa cấp hoặc đã bị mất; tư vấn, định hướng cách giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như phối hợp liên hệ, tìm kiếm việc làm cho số phạm nhân không còn nơi nương tựa…

Có thể nói, những kết quả của Việt Nam trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao về công tác đảm bảo quyền con người của người bị giam giữ trong các trại giam ở Việt Nam…/.

 

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực