Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý nghiêm người đứng đầu không tinh giản biên chế

Thứ hai, 30/10/2017 12:58
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu Quốc hội, đã đến lúc không thể ầu ơ, thờ ơ và nhẹ tay với tinh giảm biên chế. Cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hay thực hiện không đúng mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Vẫn xử lý theo kiểu “nhẹ trên nặng dưới”

Sáng ngày 30/10, thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, các ý kiến đại biểu cho rằng thời gian qua các cấp ở chính quyền địa phương cơ bản thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo quy định của Trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bộ máy vẫn ngày càng cồng kềnh, phức tạp, chưa tạo sự đột phá, thậm chí có nơi còn trì trệ, tăng phiền hà, nhũng nhiễu với dân.

Theo đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Ở đây rõ ràng có trách nhiệm thuộc về những quy định, hướng dẫn từ cấp trên chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn phong phú. Sự cứng nhắc trong các quy định đã triệt tiêu sự sáng tạo, linh hoạt của cấp dưới trong tổ chức bộ máy phù hợp với đặc thù tình hình, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, cả lịch sử văn hóa, dân cư, kinh tế - xã hội rất khác nhau giữa các vùng miền.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh:KS

ĐB Trần Văn Lâm cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là mặc dù các quy định hướng dẫn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương rất cụ thể, chi tiết, yêu cầu tổ chức ngặt nghèo nhưng không gắn với yêu cầu cuối cùng là nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý thực thi nhiệm vụ của bộ máy đó.

“Khi có khó khăn, yếu kém, buông lỏng quản lý nảy sinh thì lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có chỗ đổ thừa do quy định của cấp trên” ĐB Trần Văn Lâm nói.

Mặt khác, ĐB Lâm cũng chỉ ra, sự xáo trộn, thay đổi nhiệm vụ, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua làm ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của công chức, hiệu quả hoạt động của bộ máy, có nơi sau chia tách, sáp nhập mất cả quá trình dài ổn định tổ chức, thiết lập đoàn kết, thống nhất nội bộ. “Hãy để câu chuyện cây tre trăm đốt chỉ là cổ tích, đừng để khắc nhập khắc xuất liên tục", ông Lâm ví von.

Đề cập đến nguyên nhân của những hạn chế, báo cáo giám sát của Quốc hội nêu: “Nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa đầy đủ và sâu sắc nên quyết tâm chính trị chưa cao, nỗ lực chưa lớn, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt”, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đặt vấn đề có hay không  tình trạng Nghị quyết thì thuộc, nhưng nhận thức không đầy đủ.

“Nếu nhận thức chưa đầy đủ thì phải cho lãnh đạo đi đào tạo lại”, ĐB Vân thẳng thắn nói.

Cũng theo đại biểu Vân, một trong những vấn đề còn tồn tại trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là “nhẹ trên nặng dưới”. “Cử tri và các vị lão thành rất bức xúc khi những sai phạm của cán bộ được coi là rất nghiêm trọng, nhưng chưa truy được trách nhiệm pháp lý”, đại biểu Vân nói.

Cùng với đó, ĐB Vân cho rằng: tình trạng đề bạt, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, sai quy trình vẫn xảy ra nhưng xử lý thì chưa tới nơi tới chốn. “Việc xử lý vẫn tương tự như “phạt cho tồn tại” như trong lĩnh vực xây dựng. Tôi cho rằng cần phải xử lý cả người bổ nhiệm và được bổ nhiệm”, ĐB Vân nói.

Không thể ầu ơ, thờ ơ với tinh giảm biên chế!

Nhấn mạnh đã đến lúc không thể ầu ơ, thờ ơ với tinh giảm biên chế Nhà nước, ĐB Nguyễn  Minh Sơn (Tiền Giang) thẳng thắn chỉ ra: "Cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó mà nuôi đủ bộ máy hành chính cồng kềnh như hiện nay”.

ĐB Nguyễn Minh Sơn đề nghị, quán triệt phương châm tinh giản và tinh nhuệ, theo đó bộ máy phải gọn nhẹ, nhưng đảm bảo chất lượng. Đồng thời, đề nghị chú trọng đội ngũ cán bộ cấp xã, những người gần dân hơn cả, nhưng đãi ngộ thời gian qua chưa  xứng đáng để đừng bao giờ phải nghe thấy câu "tôi chưa nhận được báo cáo vì… chưa có ai làm báo cáo".

Đồng quan điểm, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng kết quả tinh giản biên chế thời gian qua đạt được vẫn khiêm tốn. Nhóm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh 5,8% so với năm 2011, đây là nhóm cần giảm, tạo gánh nặng lớn đối với ngân sách Nhà nước.

Ngoài nguyên nhân khách quan, theo ĐB Hoa, nguyên nhân chủ quan đáng lưu ý là do một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa nghiêm việc tinh giản biên chế, xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu chưa cao. Do đó, kiến nghị cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hay thực hiện không đúng mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Chính phủ hàng năm phải có báo cáo về kết quả việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để làm căn cứ cho Quốc hội giám sát.

Cũng theo ĐB Phương Hoa (Nam Định), hiện nay, số phòng /Vụ tuy đã giảm nhưng vẫn còn tới 681 phòng. Như vậy, 1 Vụ có 4 phòng, thậm chí có Vụ tới 7-8 phòng, rõ ràng chúng ta đã biến cái cá biệt, đặc thù thành phổ biến.

Bên cạnh đó, có Bộ đã giải thể số phòng trong Tổng cục, nhưng một số Vụ trong Tổng cục lại được nâng cấp lên thành Cục, thậm chí với số lượng nhiều hơn.

“Phải chăng đây là cách lách luật, làm cho khó khăn trong phối hợp công tác, quá nhiều tầng lớp trung gian, khó điều hành, giảm hiệu quả, hiệu lực công việc. Việc thành lập phòng trong Vụ cũng góp phần gây lên số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức!”, ĐB Hoa đặt vấn đề.

Dẫn Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII không thành lập phòng trong Vụ, trừ trường hợp đặc biệt, ĐB Hoa đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần rà soát chức năng của Vụ tổ chức lại theo tinh thần Nghị quyết 18 đề ra./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực