Đại biểu Quốc hội đề nghị phổ cập bơi cho trẻ em

Thứ tư, 15/11/2017 16:21
(ĐCSVN) – Chiều 15/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Đại biểu Lưu Thành Công phát biểu (Ảnh: TTXVN)

Băn khoăn việc luật hóa đặt cược thể thao

Thảo luận về dự luật này, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc đặt cược thể thao.

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT) trước Quốc hội vào ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết vừa qua, Chính phủ cho phép thực hiện đặt cược ở một số môn thể thao như đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại hoạt động đặt cược bất hợp pháp dựa trên kết quả thi đấu của một số môn thể thao khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, để hạn chế việc đặt cược bất hợp pháp, cần thiết phải bổ sung quy định: “Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để tổ chức đặt cược, đặt cược bất hợp pháp”.

Theo Tờ trình, trong quá trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, nội dung đặt cược thể thao là vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể, đa số ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao. Tuy nhiên, một số thành viên Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo Luật.

Về nội dung này, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng, đặt cược ở một số môn thể thao mới được vận hành thí điểm ở Việt Nam. Trong hệ thống pháp luật hiện hành chưa có khái niệm đặt cược bất hợp pháp nên dự luật bổ sung quy định vấn đề này là cần thiết.

Tuy vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc làm rõ khái niệm, phạm vi đặt cược bất hợp pháp trong mối quan hệ giữa các hành vi bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời bổ sung thêm các điều khoản để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng luật.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế mới có hiệu lực từ 31/3/2017 nên cần có thời gian thực hiện để tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định đưa vào luật để đảm bảo tính khả thi.

Hơn nữa, hoạt động đặt cược, cá cược là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội nên cần có nghiên cứu chuyên đề, báo cáo đánh giá tác động, sau đó tổng kết.

Từ những lí do trên, đại biểu đề nghị chưa nên đưa quy định vào sửa đổi lần này.

Đề nghị phổ cập bơi cho trẻ em

Một trong những phát biểu đáng chú ý trong phiên thảo luận chiều nay là phát biểu của đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long).

Dù tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Luật TDTT song đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề.

Vấn đề đầu tiên được đại biểu nêu ra là Luật TDTT đã đi vào cuộc sống làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Nhà nước quan tâm đầu tư hơn cho TDTT, người dân có ý thức hơn trong rèn luyện thể thao để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, các quy định trong luật hiện hành giao nhiệm vụ cho chính quyền các cấp còn rất ít, các quy phạm chưa đủ mạnh, chưa bao quát, chỉ mang tính kêu gọi. Công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát thực hiện chưa thường xuyên nên một số nơi, một bộ phận nhận thức chưa hết vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của TDTT trong đời sống, góp phần trực tiếp trong phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho người Việt Nam.

Vị đại biểu thẳng thắn nêu quan điểm: “Nhiều nơi vẫn xem TDTT là môn giải trí, một phúc lợi xã hội, đầu tư cũng được, không đầu tư cũng được, không có hại gì, không ảnh hưởng đến ai nên phong trào TDTT nước ta phát triển không đồng đều, tùy thuộc vào nhận thức, quan tâm của lãnh đạo địa phương. Đây là thiệt thòi lớn cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể thao nước nhà”.

Theo đại biểu, sửa đổi Luật TDTT cần tập trung nhiều cho thể thao quần chúng, làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào dự luật những vai trò, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng các công trình thể thao công cộng. Bổ sung thêm vào dự luật việc hàng năm phải có dự toán kinh phí dành 1 tỷ lệ ngân sách đáp ứng cho hoạt động thể thao tại địa phương. Đồng thời luật cũng cần khẳng định trách nhiệm của địa phương trong làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên; phải xem đây là một nhiệm vụ chính trị, là vấn đề hệ trọng, quyết định sự sinh tồn của cả dân tộc vì giàu có mà không có sức khỏe cũng bằng không.

Đáng chú ý, về giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường, đại biểu đề nghị phổ cập bơi cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học bằng những phương tiện hiện có và phù hợp với điều kiện địa lý của từng vùng, miền.

Đại biểu nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia có số lượng trẻ em chết vì đuối nước cao trong khu vực, nhiều trường hợp rất thương tâm, vì vậy phổ cập bơi để hình thành kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em Việt Nam, giúp các em thích ứng với điều kiện tự nhiên là yêu cầu bức xúc, là trách nhiệm của cả cộng đồng”.

Theo đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thiết kế các điều khoản luật quy định chính quyền các cấp, phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo, lao động – thương binh và xã hội thực hiện bằng nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế vùng miền, tiến hành phổ cập bơi cho trẻ em Việt Nam.

Đồng tình với đề xuất này, nhiều vị đại biểu Quốc hội khác cũng khẳng định việc phổ cập bơi cho trẻ em là rất cần thiết./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực