Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi việc mở rộng phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 21/11/2017 16:19
(ĐCSVN) – Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là việc dự thảo Luật đã quy định theo hướng mở rộng việc áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN


Công - tư thông đồng để tham nhũng?

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự án Luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”; quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước; yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực tư là điểm nổi bật trong việc sửa đổi luật lần này. Điều này thể hiện đổi mới tư duy trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Mặt khác, theo đại biểu phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc khu vực tư được ưu tiên phát triển lớn mạnh, và khi một người hoặc một nhóm người thuộc khu vực này được trao quyền lực và sử dụng quyền lực đó để vụ lợi thì cũng làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, lợi ích của cộng đồng. Việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất không khác gì khu vực công nên cũng phải coi là hành vi tham nhũng.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nói: “Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn chính sách, nhiều khi đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước”.

Đại biểu cũng cho rằng, việc dự luật đề nghị mới chỉ là tập trung vào 4 loại hình, đơn vị là phù hợp vì không kìm hãm sự phát triển của khu vực tư, không cản trở việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để hoàn thiện thì dự luật cần rà soát điều chỉnh lại để đảm bảo thống nhất giữa phạm vi, đối tượng và các điều khoản cụ thể của mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Đồng thời rà soát lại việc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng cho phù hợp với từng loại hình đơn vị, loại hình khác nhau thì biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng cần khác nhau.

Cũng đồng tình việc mở rộng, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho biết, điều này đã có nhiều nước làm, pháp luật hình sự nước ta cũng đã quy định. Trong chính sách hình sự của nhà nước ta từ nhiều năm nay đã và đang xử lý những người không phải là cán bộ, công chức với vai trò đồng lõa trong các vụ tham ô, hối lộ. Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng đã quy định xử lý người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước là chủ thể trong các vụ tham ô tài sản, hối lộ. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sẽ phù hợp với Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, mức ở rộng cần tương thích giữa hai luật.

Đánh giá việc đặt vấn đề này là đúng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn phát biểu: “Hiện nay có sự thông nhau giữa khu vực công và khu vực tư, tư và công câu kết với nhau để tham nhũng, người ta tham nhũng qua khu vực tư. Hơn nữa, tài sản đưa về cho những người thân thích, thậm chí là không thân thích gì cả cũng được chuyển giao tài sản tham nhũng. Cho nên nếu thả nổi hoàn toàn cũng không được mà phải đưa vào luật”.

"Cắt nguồn dinh dưỡng nuôi tham nhũng không bằng một con dao"

Ở chiều ngược lại, phiên thảo luận sáng nay tại Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu bấm nút tranh luận. Các đại biểu này không đồng tình mở rộng việc áp dụng Luật PCTN đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Lí do được đưa ra là trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ băn khoăn trước nhiều ý kiến đại biểu muốn mở rộng việc phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư. Đại biểu tranh luận: “Thứ nhất, tội phạm tham nhũng là một chủ thể đặc biệt, một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ không thể gọi là đồng phạm tham đại biểu cho rằng cần thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng diện kiểm soát tham nhũng là mâu thuẫn và không khả thi. Hơn nữa, việc vi phạm hay tội phạm có thể sử dụng nhiều luật khác nhau để xử lý. Tôi tán thành cần phải cắt nguồn dinh dưỡng nuôi tham nhũng nhưng không phải chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật PCTN”.

Cũng tham gia tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh: Tham nhũng là vấn đề lớn, nếu là căn bệnh thì cần có "thang thuốc đặc trị" nhưng hiện nay cứ pha loãng ra làm mất tính đặc trị. Vị đại biểu giải thích rõ: “Chúng ta phải xác định rõ nội dung tham nhũng, còn xã hội điều chỉnh nhiều nội dung khác nhau. Ví dụ, tôi có tài sản có nhiều bất minh nhưng nếu không phải ăn cắp của nhà nước thì sao gọi là tham nhũng của nhà nước được ví dụ như tôi buôn lậu…”.

Đại biểu nhấn mạnh “Tham nhũng là gắn liền với quyền lực, phương hại đến công quỹ. Theo tôi, trước hết phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật; phòng, chống tham nhũng tập trung vào những người có khả năng để mưu tư lợi, phương hại đến công quỹ".

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng bản chất của tham nhũng là sự lạm dụng chức vụ công vì lợi ích tư, bản chất này được quy định ở nhiều quốc gia. Nhấn mạnh “công” không đóng khung trong cơ quan nhà nước, “công” còn là công chúng, công cộng nhưng đại biểu cho rằng với bối cảnh hiện nay thì cần làm tốt, làm hiệu quả hơn nữa phạm vi đang áp dụng. “Chỉnh sửa luật để làm tốt hơn đã là hiệu quả còn việc mở rộng cần có lộ trình, thời gian rồi mới mở rộng sang khu vực dự kiến trong dự thảo” – đại biểu nêu quan điểm.../.   

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực