Dâng hương tưởng niệm 70 năm ngày mất chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Thứ sáu, 21/04/2017 14:43
Ngày 21/4, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức dâng hương tưởng niệm 70 năm ngày mất chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ( 21/4/1947-21/4/2017) tại nơi an nghỉ cuối cùng của cụ (trên núi Thiên Ấn, phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi). Đại diện lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng đông đảo người dân tham dự buổi Lễ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và người dân thành kính dâng hương tại mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh: Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ không quên những đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và địa phương. 

Tại buổi Lễ, lãnh đạo cùng người dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thành kính dâng hương, nguyện học tập và ghi nhớ tâm nguyện, tình cảm, hoài bão phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. 

Nhân dịp này, các đại biểu đã đến dâng hương tại Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành - nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng sống, làm việc trong những năm kháng chiến chống Pháp. 

Tại Lễ dâng hương, các đại biểu đã ôn lại công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Từ nhỏ, Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, có điều kiện tiến thân trên con đường quan lộ. Thấu hiểu cảnh đất nước lầm than, nhân dân nô lệ, Huỳnh Thúc Kháng đã sớm dấn thân vào con đường hoạt động yêu nước. Tham gia phong trào Duy Tân với nhiều hoạt động nhằm đánh thức, khơi dậy trong nhân dân tinh thần phản kháng đối với bộ máy thống trị của thực dân Pháp. Bên cạnh con đường đấu tranh bằng nghị trường, cụ Huỳnh còn dùng ngòi bút làm vũ khí. Cụ đứng ra lập báo Tiếng Dân - tờ báo công khai đầu tiên ở miền Trung do cụ làm chủ nhiệm. 

Sinh thời, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng là Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Trên những cương vị này, cụ Huỳnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong điều hành bộ máy nhà nước và xử lý các vấn đề về nội chính, ngoại giao. 

Năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng về làm việc tại Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ đóng tại Chợ Chùa, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Sau đó, do tuổi cao sức yếu, biết không qua khỏi, cụ gửi điện vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào binh sĩ và các đảng phái tôn giáo, kêu gọi đoàn kết tiếp tục cuộc kháng chiến. Cụ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21/4/1947 , thọ 71 tuổi./. 

Trường Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực