Đề nghị bổ sung quy định thời gian thử thách đối với người được đặc xá

Thứ hai, 11/06/2018 17:10
(ĐCSVN) – Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi quy định về đặc xá cần bảo đảm mối tương quan giữa thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt với tính nghiêm minh trong thực thi bản án của Tòa án, tránh tạo ra khả năng lạm dụng chính sách nhân văn của nhà nước...

Sáng 11/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về 03 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.

Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật vì phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, đề nghị quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện.

ĐB Nguyễn Hoà Bình (Quãng Ngãi), Chánh án TAND Tối cao phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TH).

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nhận định điều kiện đặc xá quy định dự thảo Luật chưa hợp lý vì những lý do sau: Bản chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định, được áp dụng trong từng trường hợp đặc biệt với từng con người cụ thể với lý do đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt. Nếu áp dụng có tính chất đồng loạt mỗi lần hàng chục nghìn người như thời gian qua về bản chất đây là đặc xá thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải đặc xá thuộc thẩm quyền là của Chủ tịch nước.

Thứ hai, các điều kiện đặc xá quy định Khoản 1 và 2 Điều 10 của dự thảo Luật được tiếp cận theo hướng tương tự điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự, miễn chấp hành hình phạt quy định tại Điều 62 Bộ luật hình sự và giảm hình phạt đã tuyên Điều 63 Bộ luật hình sự. “Sự khác biệt chỉ là sự nới lỏng hoặc quy định chặt chẽ một số điều kiện so với các quy định về miễn, giảm hình phạt tha tù trước thời hạn, hệ quả là các đối tượng đặc xá trùng với các đối tượng đã được áp dụng tại các quy định nêu trên”, ĐB Hiển nói.

Phân tích vào từng điều kiện cụ thể, ĐB Hiển cho rằng càng thấy có nhiều điều bất hợp lý. Chẳng hạn, về điều kiện người được đề nghị đặc xá “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, trường hợp chưa chấp hành xong do Chủ tịch nước quyết định”. Quy định như vậy dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo tốt đến mấy nhưng không đủ điều kiện về hình phạt tiền thì không bao giờ được đặc xá. Đáng ra điều kiện phải là những người có tiền, có điều kiện nhưng cố tình không chấp hành án. Mặc khác, việc xem xét miễn hình phạt là quyền tư pháp thuộc về Toà án không nên trao cho Chủ tịch nước thẩm quyền này.

Để đặc xá thể hiện đúng bản chất là sự khoan hồng của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định, ĐB Hiển đề nghị nên thiết kế lại điều này theo hướng chỉ áp dụng trong 3 trường hợp: Một là những người thực sự tiến bộ trong cải tạo giáo dục, trường hợp này cần xây dựng tiêu chí cụ thể đánh giá sự tiến bộ kèm theo thời gian đã chấp hành án. Hai là người trong một số hoàn cảnh đặc biệt nhưng đã  lập công lớn, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người trên 70 tuổi thường xuyên ốm đau, bênh tật không tự chủ được. Những trường hợp này không kèm theo điều kiện về thời gian đã chấp hành án miễn là sự kiện đặc biệt nêu trên xảy ra có thể áp dụng ngay thì mới đúng là ý nghĩa khoan hồng đặc biệt. Ba là áp dụng trong trường hợp đặc biệt vì lý do đối ngoại nhà nước.

ĐB Nguyễn Hoà Bình (Quãng Ngãi), Chánh án TAND Tối cao đồng tình với một số đại biểu cho rằng trong thời gian qua việc đặc xá thực hiện “hơi quá”, yêu cầu nhân đạo của Nhà nước “mờ” đi hơn với nhu cầu giảm tải. Chính vì vậy trong 10 năm chúng ta có 7 đợt đặc xá, trung bình gần 1,5 năm có một đợt đặc xá, tổng số đặc xá là 85 nghìn người. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn khi các hội đồng xét xử tăng hình phạt lên 6 tháng 1 năm thì phải họp cân nhắc, thậm chí chịu áp lực rất lớn từ xã hội, nhưng khi đặc xá thì với số lượng rất lớn, thời gian giảm trước nhiều năm.

Để khắc phục tình trạng này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đầu năm nay khi Bộ luật hình sự có hiệu lực với chế định mới được Quốc hội thông qua về quy định được tha tù trước thời hạn được thực hiện hàng năm, phần lớn gắn liền với các ngày lễ trong năm.

Nhấn mạnh sự khác nhau giữa đặc xá với tha tù trước thời hạn được quy định ở luật hình sự, Chánh án TANDTC cho rằng quy định về thời điểm và điều kiện cần khác nhau nhưng thể hiện như dự thảo luật lại có phần hơi giống nhau về điều kiện. Tuy nhiên, Chánh án cho biết sự khác biệt là thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước, tha tù trước thời hạn là Chánh án TAND các cấp.

Mặc dù điều kiện giống nhau nhưng khác cơ bản, đối với tha thù trước thời hạn thì trong trường hợp đã được tha tù nhưng ra ngoài tái phạm vẫn phải quay về chấp hành bản án phần còn lại; còn đặc xá thì được miễn án luôn.

Chánh án cũng lưu ý, thời điểm đặc xá phải đúng là các sự kiện đặc biệt quan trọng, ví dụ: 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội Đảng... tránh tình trạng mỗi năm làm một lần dễ dẫn đến trùng với các trường hợp tha tù trước thời hạn.

Theo ĐB Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội), dự thảo hiện nay mới chỉ quy định một số nguyên tắc về tạo điều kiện cho những người được đặc xá tái hòa nhập xã hội và cộng đồng trong quy định về quản lý, giám sát người đặc xá cũng như chế tài áp dụng đối với những trường hợp vi phạm pháp luật sau khi được đặc xá. Do vậy, cần bổ sung thêm quy định về thời gian thử thách đối với những trường hợp đã được đặc xá theo hướng thời gian thử thách tối thiểu bằng thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo luật quy định một số trường hợp đặc biệt được quy định đặc xá có thời gian chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với thông thường. Theo ĐB Chính, quy định này là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước áp dụng đối với một số đối tượng như thương binh, người già, người chưa thành niên, người lập công lớn...v.v... Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về tiêu chí thời gian chấp hành hình phạt tối thiểu đối với những trường hợp này như thế nào để tránh tùy tiện và đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng quy định để lập hồ sơ đặc xá.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực