Đề nghị cho TP. Hồ Chí Minh thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường cùng TP. Hà Nội

Thứ ba, 29/10/2019 18:30
(ĐCSVN) – Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cũng nên đề xuất triển khai thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường cùng với TP. Hà Nội.

Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Các đại biểu Đoàn TP. Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 29/10. (Ảnh: MD)

Đổi tên gọi UBND phường sẽ gây khó khăn cho người dân

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm, có ý kiến băn khoăn khi vẫn giữ tên gọi cơ quan hành chính ở phường khi không tổ chức HĐND là UBND sẽ không phân biệt với UBND nơi có tổ chức HĐND, mặc dù vị trí, tính chất, thẩm quyền giữa hai cơ quan hành chính này là khác nhau.

Về các vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường thì cơ quan hành chính phường vẫn gọi là UBND nhằm thực hiện đúng Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị. Các đại biểu lo ngại, nếu đặt tên cơ quan hành chính phường khác với tên gọi UBND thì toàn bộ dữ liệu có liên quan của thành phố Hà Nội sẽ phải thay đổi.

Nếu thay đổi tên gọi, đại biểu Đào Tú Hoa (TP. Hà Nội) cho rằng, dưới góc độ là công dân, toàn bộ giấy tờ liên quan đến cá nhân như sổ hộ khẩu, CMTND, thẻ căn cước công dân, đăng kí thường trú, tạm trú... đều phải thay đổi. Với cơ quan quản lý nhà nước thì toàn bộ hồ sơ, hệ thống phần mềm quản lý cũng phải thay đổi. “Nếu thay đổi có thể nhìn thấy ngay hệ lụy là lãng phí, tốn kém lớn; cũng như nhìn thấy khó khăn cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương” – bà phát biểu.

Từ những phân tích trên, bà đề nghị giữ nguyên tên gọi UBND phường như dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (TP. Hà Nội) cũng nhấn mạnh không nên thay đổi tên gọi của UBND phường. Theo bà, việc thực hiện thí điểm, Quốc hội mới thống nhất tiến hành trong một khoảng thời gian xác định. Việc để nguyên tên gọi là thuận lợi và không làm ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày khác của người dân và cơ quan chức năng.

Bà cũng cho rằng việc đổi tên là không cần thiết bởi hoạt động thí điểm được tiến hành với 177 phường, thị xã của thành phố Hà Nội nên không cần phải phân biệt giữa phường này với phường khác.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng khẳng định, mặc dù vẫn gọi là UBND, nhưng UBND phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND và UBND phường nơi có tổ chức HĐND có sự khác biệt rõ về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Theo đó, tại phường nơi có tổ chức HĐND thì UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; còn tại phường của Hà Nội khi thực hiện thí điểm thì UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường, thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước và cung cấp các dịch vụ công theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, sự khác biệt này còn được thể hiện tại các nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của UBND phường nơi có tổ chức HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với UBND nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các quy định hướng dẫn của Chính phủ sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm.

Đề nghị cho TP. Hồ Chí Minh thí điểm cùng TP. Hà Nội

Cơ bản đồng tình với việc thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận, thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tiễn HĐND phường ở một số đô thị thời gian qua hoạt động còn hình thức, mà cái gì còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả thì có thể bỏ. Song, ông nhấn mạnh, nếu bỏ HĐND cấp phường thì cơ cấu HĐND quận làm sao phải bao quát, đại diện cho tất cả các phường.

"Phải tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức các đường dây nóng để người dân ở các phường được tiếp cận, tiếp xúc với đại biểu HĐND quận, do chính người ta bầu ra. Quan trọng hơn cả là phải giải quyết nguyện vọng của cử tri một cách kịp thời", ông phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh cũng ủng hộ thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Bà cũng nhắc lại, thực tế trước đây chúng ta cũng đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc không tổ chức HĐND ở cấp phường không khác nhiều so với đã việc đã thí điểm. “Không lo chuyện không có người đại diện cho dân, vấn đề chỉ là ai đại diện, nếu không tổ chức ở cấp quận, huyện, phường thì HĐND TP sẽ là đại diện cho dân. Nhưng mục tiêu phải là giảm biên chế bền vững, muốn vậy đồng thời với việc không tổ chức HĐND cấp phường thì phải tổ chức lại bộ máy, phân định lại nhiệm vụ chức năng cho rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp thì giảm biên chế mới hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho dân”, bà phát biểu.

Bà cũng bày tỏ băn khoăn, nếu chỉ tổ chức 2 cấp HĐND thì nên là HĐND cấp phường và cấp tỉnh, mà không tổ chức ở cấp quận (vì là cấp trung gian). Tuy nhiên, cần cơ cấu lại HĐND cấp phường, vì cấp phường có thể giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể (an sinh xã hội, rác, môi trường…).

Đáng lưu ý, bà đề nghị, TP. Hồ Chí Minh cũng nên đề xuất Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội cho phép triển khai thí điểm cùng với TP. Hà Nội nhằm có thêm cơ sở thực tiễn để xem xét nhân rộng. “TP. Hồ Chí Minh cũng là thành phố đặc biệt, đại diện cho phía Nam, có tính đặc thù riêng, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh đã có Đề án chính quyền đô thị khá hoàn chỉnh, đã được trình tới Bộ Chính trị” – bà đưa ra lí do./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực