Đề xuất bỏ quy định hồ sơ dự án luật phải kèm dự thảo văn bản quy định chi tiết

Thứ sáu, 22/05/2020 19:56
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định trong hồ sơ dự án luật phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo để cơ quan soạn thảo tập trung cho việc xây dựng dự án luật.

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Thảo luận về dự luật này, nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là quy định trong hồ sơ dự án phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo.

Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đưa ra nhiều lí do cần phải bỏ quy định này.

 Phiên họp toàn thể tại Hội trường chiều 22/5 

Đại biểu phân tích, sở dĩ phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành là bởi quá trình soạn thảo chưa thể quy định ngay trong luật do chưa có đủ thời gian, nhân lực, vật lực để có thể chi tiết hóa ngay được. “Để thi hành Luật XLVPHC hiện đang có 57 nghị định và 61 thông tư hướng dẫn. Trong đó, có những nghị định có khoảng 100 điều. Với khối lượng văn bản hướng dẫn nhiều, chi tiết như vậy mà yêu cầu cần soạn thảo gửi đồng thời với hồ sơ dự án luật thì không khả thi và không đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng” - đại biểu ví dụ.

Theo đại biểu, chính vì tính không khả thi của quy định này nên vừa qua thực hiện không hiệu quả, thậm chí có tính hình thức và tâm lý để đủ hồ sơ. Đại biểu ví dụ, “hồ sơ dự án Luật Thanh niên trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 có gửi kèm 5 dự thảo nghị định thì chỉ có tên điều mà không có nội dung trong các điều”.

Lí do khác được đại biểu đưa ra là quy định như luật hiện hành có thể lãng phí nhân lực, vật lực. Bởi lẽ, trong trường hợp Quốc hội có ý kiến khác hoặc không chấp nhận phương án của dự thảo thì toàn bộ dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành sẽ phải bỏ. Trong khi đó, hiện nguồn lực và thời gian dành cho các dự án luật rất eo hẹp. “Nếu như các cơ quan soạn thảo được dành toàn bộ nguồn lực và thời gian để tập trung xây dựng dự thảo luật, đánh giá kĩ tác động của các chính sách mới, thuyết minh chi tiết để các đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin trước khi quyết định thì sẽ tốt hơn rất nhiều việc yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đồng thời xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn kèm hồ sơ như hiện nay” - đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng bày tỏ băn khoăn với lí do được nêu trong báo cáo giải trình để giữ quy định hiện nay là để tăng cường kỉ cương, kỉ luật và khắc phục tình trạng chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn.

Theo đại biểu, nếu như chậm ban hành văn bản hướng dẫn thì hiện có quy định cụ thể để xử lý vấn đề này. Qua nghiên cứu báo cáo tổng kết của Chính phủ, hơn 4 năm thi hành luật thì thấy còn nhiều văn bản chậm ban hành nhưng rất ít công chức bị xử lý trách nhiệm. Theo đại biểu, nếu làm tốt chế tài này thì sẽ khắc phục đáng kể việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn mà không nên quy định phải xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn kèm dự thảo luật như hiện nay.

Từ điểm cầu Cà Mau, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh, quy định hồ sơ dự án luật phải bao gồm cả dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành là mô hình lạc hậu, không phù hợp với mô hình lập pháp hiện đại.

Đại biểu nhắc lại 100 năm trước, trong bản yêu sách 8 điểm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã kiến nghị “thực hiện chế độ ban hành các đạo luật thay cho sắc lệnh”. Tư tưởng này thể hiện, các đạo luật phải trực tiếp đi vào cuộc sống, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật.

“Xét trong thực tiễn, kỷ luật lập pháp và thi hành luật không nghiêm mới dẫn đến hậu quả phải kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn. Do chúng ta làm luật chưa nghiêm túc dẫn đến phải giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không buộc phải quy định giao cho Chính phủ ban hành hướng dẫn quy định” - đại biểu phát biểu.

Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị, các đạo luật sau này nên hạn chế tối đa việc giao cho Chính phủ hướng dẫn. “Chỉ khi luật đi vào cuộc sống, chúng ta mới có nhà nước pháp quyền. Còn tình trạng luật phải có nghị định, nghị định phải có thông tư thì không bao giờ chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền được” – đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Hơn nữa, đại biểu cho biết thêm, dự thảo luật phải kèm theo dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành thì khi Quốc hội yêu cầu và thông qua với điều kiện này, vô hình chung, nghị định trở thành phụ lục quy định kèm theo đạo luật, là một điều vô cùng bất hợp lý trong lý luận lập pháp.

“Nên bỏ quy định này, mà vấn đề đặt ra phải là kỷ cương, phép nước trong thực thi lập pháp, nếu như Chính phủ không thực hiện được thì chúng ta kỷ luật người có liên quan” - đại biểu nêu quan điểm.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành là trong hồ sơ dự án phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định này để cơ quan soạn thảo tập trung cho việc xây dựng dự án luật.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Yêu cầu phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm trong hồ sơ dự án nhằm mục đích giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan trình cũng như các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH có sự định hướng trước một cách tổng thể về những vấn đề dự kiến điều chỉnh và áp dụng khi luật được ban hành, đồng thời khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Đây là quy định mới được bổ sung trong lần sửa đổi Luật BHVBQPPL năm 2015 và trong thực hiện thời gian qua cho thấy có tác dụng tích cực. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này của Luật hiện hành./.

 

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực