Đề xuất hợp nhất một số sở, ngành cấp tỉnh với quyết tâm tinh gọn bộ máy

Thứ sáu, 31/03/2017 09:50
(ĐCSVN) - Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đề xuất hợp nhất một số sở, ngành cấp tỉnh trong dự thảo Nghị định của Chính phủ, do Bộ Nội vụ trình đã cho thấy quyết tâm rất cao, có thể nói là bước tiến trong việc tinh gọn bộ máy nhà nước.


Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đặng Hiếu)

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay khi được công bố, dự thảo Nghị định đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, nhất là về đề xuất hợp nhất một số sở, ngành có chức năng tương tự nhau nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đã đề xuất hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thành lập Sở Kế hoạch - Tài chính. Lý giải đề xuất hợp nhất, Bộ Nội vụ cho biết, chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trên có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Việc hợp nhất 2 Sở sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa 2 Sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ.

Mặt khác, Bộ cũng đề nghị hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải (và Sở Quy hoạch – Kiến trúc tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị. Bộ Nội vụ phân tích, việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công - tư luôn đòi hỏi có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển giao thông với đô thị. Vì vậy, Chính phủ cần tổ chức một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị...

Có thể hiệu quả lớn nhất của việc hợp nhất này là giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm chi tiêu công. Mặt khác, chính việc hợp nhất, thu gọn đầu mối cũng làm cho các đầu mối hành chính tập trung lại, tăng hiệu quả giao tiếp và phục vụ nhân dân.

Xung quanh Dự thảo Nghị định này, hiện nay nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, việc sáp nhập các bộ lại với nhau lẽ ra phải làm từ 20 năm trước. Theo ông, việc này tuy muộn nhưng việc sáp nhập các sở lại với nhau nhất định phải làm, không thể chậm trễ được nữa. Đồng thời, sau này cũng phải tính toán sáp nhập lại các bộ với nhau.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng: Cần coi sáp nhập các sở, ban, ngành cùng chức năng là bước đột phá về cải cách bộ máy hành chính nhằm thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

Ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: Tôi rất ủng hộ đề xuất này và muốn nhấn mạnh rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện điều này. Đây không phải là vấn đề mới, vì từ năm 2001, khi vận hành Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hợp lý. Đáng lẽ, việc sáp nhập sở như trong đề xuất phải được làm từ rất lâu rồi, nhưng muộn còn hơn không.

Vẫn theo ông Bùi Sỹ Lợi, vấn đề quan trọng nhất là phải xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở theo yêu cầu quản lý nhà nước, gắn với đội ngũ công chức chuyên môn theo từng vị trí việc làm để bố trí, sắp xếp một cách khách quan, khoa học.

Đặc biệt, rất nhiều người dân đóng góp ý kiến trực tiếp trên Cổng thông tin Bộ Nội vụ cũng bày tỏ hài lòng, ủng hộ tinh thần hợp nhất một số Sở.

Tuy vậy, cũng nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc hay không ủng hộ đề xuất trên của Bộ Nội vụ. Ngay trong tài liệu tổng hợp ý kiến các bộ ngành, địa phương góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ cho biết tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai đề nghị không hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài chính vì nhiệm vụ 2 sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị cân nhắc việc hợp nhất 2 Sở này.

Mặt khác, Bộ Xây dựng, các tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Bình, Đồng Tháp đề nghị không hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải (hợp nhất thêm Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị vì chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở này quá lớn và liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc hợp nhất vì nhiệm vụ của 2 Sở có nhiều điểm khác biệt, hoạt động đang ổn định.

Được biết, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội chiều 27/3 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định quan điểm của thành phố không đồng ý với đề xuất hợp nhất các Sở trên, bởi khối lượng công việc của các Sở ngành này rất lớn.

Đóng góp ý kiến trên Cổng thông tin Bộ Nội vụ, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Hùng Quán - Nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh đề nghị không hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính. Bởi theo ông, mỗi Sở có nhiệm vụ, đối tượng chuyên ngành rất khác nhau, không trùng chéo kỹ năng từ khâu đào tạo đến hành nghề rất chuyên biệt. Hơn nữa, Sở Tài chính, Kế hoạch và đầu tư là các Sở lớn thực hiện nhiều nhiệm vụ do tỉnh giao nếu hợp nhất sẽ thành “siêu Sở”, khi đó khả năng bao quát hết các nhiệm vụ sẽ khó khăn dẫn đến quan liêu xa rời thực tế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cũng theo ông, cùng lúc có sự lãnh đạo, chỉ đạo của 02 bộ cấp trên thì rất khó hoạt động, ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ.

Cũng góp ý kiến về đề xuất hợp nhất sở, ông Trần Công Nguyên (TP Hà Nội) đề nghị xem xét lại việc hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải. Theo ông, “Sở Giao thông vận tải vốn đặc thù chuyên ngành về quản lý phương tiện giao thông như tàu thủy, máy bay, xe... còn Sở Xây dựng đặc thù chuyên ngành về nghệ thuật kiến trúc, quy hoạch, xây dựng là hai lĩnh vực hoàn toàn không có sự liên hệ nào với nhau, có chăng hiện nay do cách bố trí công việc có sự chồng chéo về lĩnh vực xây dựng cầu, đường. Tuy nhiên, việc này có thể giải quyết bằng cách chuyển hoàn toàn lĩnh vực xây dựng cơ bản về ngành xây dựng và ngành giao thông vận tải chỉ thuần túy về quản lý phương tiện thôi. Việc sát nhập hai ngành này lại với nhau sẽ tạo ra một siêu ngành với khối lượng công việc khủng khiếp mà chuyên môn lại chẳng liên quan gì đến nhau”.

Nhiều ý kiến đóng góp khác gửi đến Bộ Nội vụ cũng cho rằng việc đề xuất hợp nhất các Sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh là một vấn đề có tác động lớn, do vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, có điều tra, khảo sát đánh giá tác động thấu đáo.

Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thực hiện trong nhiều năm qua. Việc này luôn được nhân dân quan tâm, kỳ vọng. Điều này thể hiện rõ ở chỗ, đến thời điểm này, dự thảo Nghị định đang thu hút rất nhiều người dân cho ý kiến ngay trên Cổng thông tin Bộ Nội vụ. Đặc biệt, không chỉ góp ý về các đề xuất quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố của Bộ Nội vụ, nhiều người đã "hiến kế" để nâng cao chất lượng công chức, viên chức.

Thực tế, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế chưa bao giờ là việc dễ làm. Tất nhiên, xung quanh dự thảo đang được lấy ý kiến cũng sẽ còn rất nhiều vấn đề phải bàn, phải cân nhắc như: hiệu quả hoạt động của các sở sẽ hợp nhất thế nào, tác động ra sao tới hoạt động của các cơ quan chức năng? Đặc biệt, đã có nhiều ý kiến nhận định trong quá trình sáp nhập sẽ đụng chạm đến nhiều người và lo ngại xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bổ nhiệm nếu những đề xuất tại dự thảo Nghị định này được chấp thuận. Và, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song những đề xuất tại Dự thảo Nghị định vừa công bố đã cho thấy quyết tâm hành động rất cao trong việc tinh gọn bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức. Đây có thể coi là một bước tiến, một sự chuyển biến quan trọng từ nhận thức đến hành động trong quyết tâm tinh gọn bộ máy nhà nước./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực