Đề xuất tiếp tục xã hội hóa, không sử dụng ngân sách biên soạn sách giáo khoa

Thứ bảy, 16/05/2020 20:18
(ĐCSVN) - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 UBTVQH cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. (Ảnh: quochoi.vn)

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc biên soạn một bộ SGK sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ SGK (do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện) gồm 137 đầu SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo quy định của Ngân hàng Thế giới, việc tuyển chọn tác giả SGK phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên, kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, nên chỉ có thể tiến hành sau khi các chương trình môn học đã được ban hành.

Bộ đã hai lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả theo quy định nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, hoặc không thống nhất được khi thương thảo hợp đồng.

Căn cứ vào tình hình đã nêu, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và trường hợp đã có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ GD&ĐT phê duyệt thì Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.

Thẩm tra báo cáo của Bộ GD&ĐT, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng cần cân nhắc việc Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì biên soạn SGK lớp 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, với SGK lớp 1 phục vụ cho năm học 2020-2021, đã có 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản (thực hiện theo chủ trương xã hội hóa) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt ban hành.

Hơn nữa, thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ SGK lớp 1 mới. Việc tập hợp các chuyên gia sẽ khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản. Việc xã hội hóa biên soạn SGK đã huy động được nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục. Đồng thời cũng cần tạo điều kiện cho Bộ GD&ĐT tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, để chủ động, cơ quan thẩm tra đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề như: Đối với SGK lớp 1 năm 2020-2021 cần quan tâm bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và Luật Giáo dục 2019 (Giáo dục tiểu học là bắt buộc); chỉ đạo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai biên soạn SGK lớp 1 theo chủ trương xã hội hóa, báo cáo UBTVQH thông qua báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội theo quy định Nghị quyết 88...

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần thẳng thắn báo cáo những mặt được và chưa được để Quốc hội cho ý kiến. Ngoài ra, phải kiểm soát được giá sách giáo khoa cho tương xứng với mặt bằng thu nhập người dân, có sự hỗ trợ đối với vùng cao, gia đình khó khăn.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò của Chính phủ và Bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời biểu dương việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa được thực hiện rất tốt. Đối với một số nội dung còn chậm, cần báo cáo để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, vấn đề nào chưa làm được thì sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, UBTVQH hoan nghênh sự nỗ lực của Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa và thực hiện các nội dung của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, so với tiến độ của Nghị quyết, việc thực hiện vẫn còn chậm và có những nhược điểm cần khắc phục.

 Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục phát huy hội đồng quốc gia thẩm định SGK; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của phụ huynh học sinh về việc thực hiện chủ trương đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc điều hành, kiểm tra, hướng dẫn các trường, các địa phương lựa chọn SGK..../.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực