Đến năm 2020, tỉnh Hà Nam phải tự cân đối được ngân sách

Chủ nhật, 20/05/2018 02:12
(ĐCSVN) - Với tốc độ phát triển và điều kiện của Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chậm nhất đến năm 2020, tỉnh Hà Nam phải tự cân đối được ngân sách chứ không thể để nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về tình hình kinh tế - xã hội địa phương

Chiều tối ngày 19/5, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chậm nhất đến năm 2020, tỉnh phải tự cân đối được ngân sách.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, Hà Nam có 8 khu công nghiệp với diện tích 2.534 ha. Đến cuối tháng 4/2018, đã có 253 dự án đi vào sản xuất kinh doanh và 65 dự án đang tiến hành xây dựng. Tổng số lao động trong các khu công nghiệp gần 60 nghìn người. Giá trị xuất khẩu tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân trên 20%/năm, quý I/2018 đạt 412 triệu USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt hơn 48,6 triệu đồng/năm.

Bên cạnh công nghiệp, Hà Nam cũng phát triển khá mạnh lĩnh vực nông nghiệp. Là một trong các tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ xã nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 78/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 79,6%, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 37,2%).

Tỉnh cũng định hướng thành một trung tâm y tế chất lượng cao, giảm áp lực cho các cơ sở y tế tại Thủ đô Hà Nội (cơ sở 2 của các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Lão khoa, Phụ sản và của Đại học Y Hà Nội).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Biểu dương nỗ lực của Hà Nam, Thủ tướng cho rằng, tỉnh đã chú trọng phát triển các khu kinh tế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu với kết quả khá. Công nghệ cao đã xuất hiện ở đây. Tỉnh đã xuất hiện mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, với tốc độ phát triển và điều kiện của Hà Nam thì chậm nhất đến năm 2020 tỉnh phải tự cân đối được ngân sách chứ không thể để nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Thủ tướng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đi liền với đô thị hóa. Ở đâu đô thị hóa tốt, sớm thì ở đó phát triển tốt. Hà Nam phải có định hướng phát triển đô thị trong tương lai với đô thị trung tâm là Phủ Lý.

Muốn làm được điều đó, trước hết phải hoàn thiện toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2018. Cần rà soát lại các chỉ tiêu. Nếu chỉ tiêu nào có “nguy cơ” không đạt thì cần có biện pháp mạnh mẽ hơn. Tỉnh tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, chống sự trì trệ; thu hút phát triển thêm nhiều doanh nghiệp; nâng cao thứ hạng PCI. Tiếp tục thí điểm tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Bên cạnh kinh tế, cần chú ý lĩnh vực văn hóa, xã hội, đào tạo nghề cho công nhân. Với hơn 5 vạn công nhân trong các khu công nghiệp, tỉnh cần quan tâm đời sống công nhân, các thiết chế công đoàn; đồng thời khẩn trương hoàn thành dự án khu nhà ở cho công nhân mà Thủ tướng vừa đến thị sát.

Lưu ý Hà Nam về bảo vệ môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo vệ nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy và cho biết, sẽ tổ chức hội nghị về vấn đề này. “Tôi cũng đề nghị các đồng chí không phát triển thêm các nhà máy xi măng”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng giải quyết các kiến nghị cụ thể của tỉnh với tinh thần tạo mọi điều kiện cho Hà Nam phát triển./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực