Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mê Công thành công tốt đẹp

Thứ ba, 25/10/2016 21:57
(ĐCSVN) - Sau năm phiên đối thoại và thảo luận sôi nổi và thực chất, chiều 25/10, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mê Công với sự tham dự của Tổng thống và Thủ tướng các nước Mê Công đã thành công tốt đẹp.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh:

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu bế mạc Hội nghị

 

Thưa ông Richard Samans, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới,

Thưa các Quý vị và các bạn,

Sau năm phiên đối thoại và thảo luận sôi nổi và thực chất, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mê Công với sự tham dự của Tổng thống và Thủ tướng các nước Mê Công đã thành công tốt đẹp. Việc lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mê Công là một minh chứng cho sự quan tâm và ủng hộ của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với sự phát triển của các nước Mê Công.

Thưa các Quý vị và các bạn,

Với chủ đề “Phát triển khu vực Mê Công: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”, Hội nghị WEF về khu vực Mê Công đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với các nước Mê Công như phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Trước khi kết thúc Hội nghị, tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về tầm nhìn phát triển khu vực Mê Công. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào đầu năm 2016 và sự phát triển sôi động của các liên kết kinh tế trong khu vực và toàn cầu đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho khu vực Mê Công. Nhưng cùng với đó, khoảng cách phát triển và chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng, lao động chi phí thấp đang giảm dần lợi thế, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng rõ rệt… Trong bối cảnh đó, một khu vực Mê Công hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội không chỉ là lợi ích chung của các nước Mê Công và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, mà còn đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN và củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Thứ hai, phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu. Tác động của biến đổi khí hậu cùng với các hoạt động khai thác thiếu bền vững các nguồn tài nguyên và sự phân phối không đồng đều các thành quả của tăng trưởng kinh tế đang đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của khu vực Mê Công. Chúng tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững, mà trước hết là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, là hết sức cần thiết. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các nước và các đối tác trong vấn đề này trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của từng nước và cả khu vực Mê Công

Thứ ba, kết nối kinh tế khu vực là một phương thức quan trọng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Mê Công hòa bình, ổn định, năng động, phát triển bền vững và gắn kết với kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó các biện pháp quan trọng là kết nối cơ sở hạ tầng, liên kết kinh tế và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch.

- Về kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông cần được ưu tiên vì đây là điều kiện thiết yếu cho phát triển thương mại, đầu tư, du lịch trong khu vực. Hội nghị đã thảo luận nhiều ý tưởng về huy động tài chính cho phát triển và kết nối giao thông trong khu vực Mê Công, nhất là huy động vốn của khu vực tư nhân thông qua quan hệ đối tác công-tư. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi cho các đối tác phát triển và các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư vào các hành lang kinh tế tiểu vùng, để đẩy mạnh kết nối kinh tế trong khu vực.

- Tăng cường liên kết kinh tế sẽ tạo cơ hội cho các nước Mê Công phát huy các tiềm năng và lợi thế của mình, từ đó giúp tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các nước Mê Công cần gia tăng kết nối kinh tế để từ đó có đủ khả năng để tận dụng lợi thế do các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu đem lại, từ đó kết nối các nền kinh tế Mê Công với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

- Về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, việc dỡ bỏ các rào cản thương mại theo các thỏa thuận song phương và đa phương rất cần thiết để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch giữa các nước Mê Công với nhau và với các nước khác. Các nước Mê Công cần tăng cường hợp tác thúc đẩy đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục qua biên giới, trong đó có việc áp dụng “một cửa, một lần dừng” tại các cửa khẩu quan trọng trong khu vực Mê Công, để thúc đẩy liên kết thương mại, đầu tư và du lịch.

Thứ tư, về cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới đang tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến sự phát triển của các quốc gia. Với các nước Mê Công, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến nhiều cơ hội để đẩy mạnh công nghiệp hóa và rút ngắn khoảng cách phát triển, song cũng đặt ra những thách thức lớn. Đó là điều chỉnh chính sách công nghiệp như thế nào để thích ứng với thay đổi nhanh của công nghệ và các chuỗi giá trị? Làm sao nâng cao được năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới, sáng tạo? Làm sao tranh thủ được sự phát triển của công nghệ để tạo nhiều việc làm có năng suất cao và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm?… Trong bối cảnh đó, chúng tôi cho rằng để tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp này, các nước Mê Công không có con đường nào khác là đầu tư nhiều hơn cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, chứ không thể chỉ dựa vào tài nguyên và lao động chi phí thấp. Tôi tin rằng đây cũng là ý kiến chung của Hội nghị.

Thứ năm, điều rất quan trọng là Hội nghị WEF về khu vực Mê Công thực sự là một diễn đàn thiết thực để tăng cường quan hệ đối tác giữa các nước Mê Công với các doanh nghiệp WEF và quốc tế. Thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn cùng với WEF tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại và quan hệ đối tác công - tư rộng mở trong khu vực Mê Công để phát triển khu vực này thực sự năng động, gắn kết, có năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước Mê Công để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong khu vực Mê Công.

Sau Hội nghị này, ngày mai sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 7 và CLMV lần thứ 8. Tại các Hội nghị Cấp cao, các nhà Lãnh đạo các nước Mê Công sẽ xem xét các ý tưởng và khuyến nghị của Quý vị và các bạn để đề ra các định hướng và chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực Mê Công trong thời gian tới.

Cuối cùng, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban Lãnh đạo WEF và các cộng sự về sự ủng hộ quý báu và phối hợp hiệu quả trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả Quý vị và các bạn đã tham dự và đóng góp vào thành công của Hội nghị.

Xin cảm ơn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực