Điều chỉnh chính sách thúc đẩy ứng dụng chuyển giao công nghệ

Thứ năm, 16/03/2017 14:58
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo tại Phiên họp. (Ảnh: VA)


Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, thời gian vừa qua, công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa được chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đã dẫn đến tình trạng nhiều công nghệ, thiết bị lạc hậu, tác động xấu đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp thu vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Do đó, rất cần thiết có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; đồng thời, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Ban soạn thảo nhất trí cho rằng, để có thể kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, cần thiết phải phân luồng công nghệ, quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ ngay trong Luật này; đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan để giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và thuận lợi trong đầu tư của doanh nghiệp.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và Hội trường, Ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chỉnh lý dự thảo Luật CGCN (sửa đổi). Theo đó, có các nhóm ý kiến lớn đã được tiếp thu giải trình gồm: Chính sách của Nhà nước về CGNC nói chung, chính sách của Nhà nước về CGCN với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; các biện pháp khuyến khích CGCN; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ; quản lý nhà nước trong hoạt động CGCN cùng với một số nội dung khác.

Cụ thể, dự thảo Luật trước đó có 7 Chương, 62 Điều, nay đã xem xét thay thế 11 điều cũ bằng cách bổ sung 8 điều mới, điều chỉnh, ghép thêm 3 điều và rút đi 1 chương điều chỉnh lại kết cấu và cho đến hiện nay đảm bảo bao quát được toàn bộ phạm vi điều chỉnh chính sách của Nhà nước trong hoạt động CGCN.

Tham gia đóng góp ý kiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị, rà soát lại các chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra, đặc biệt là trong các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo ông Hà Ngọc Chiến, trong dự thảo Luật tại khoản 3, Điều 34 quy định, ưu tiên sử dụng các máy móc, thiết bị mà Việt Nam chế tạo được trong đầu tư mua sắm công. Điều khoản này sẽ mâu thuẫn với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về cấm bảo hộ sản phẩm trong nước và quy định của Luật Đấu thầu; đồng thời quy định này cũng có thể tạo nên cơ chế “bao cấp” làm suy giảm động lực nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ tạo ra trong nước.

Đề cập đến vấn đề hạn chế CGCN, dự thảo Luật nêu nhiều hạn chế CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam thuộc một trong các trường hợp như: Công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp, tiêu hao nguyên vật liệu cao, lãng phí tài nguyên; Máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam nhưng đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Công nghệ chưa được kiểm chứng việc sử dụng… Theo ông Hà Ngọc Chiến, điều khoản quy định như vậy là không chặt chẽ, tạo kẽ hở khi CGCN, nhất là ảnh hưởng đến môi trường; đề nghị trong luật chỉ quy định điều cấm, không cho phép.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Dự thảo lần này và Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý đã tiếp thu rất tốt hầu hết các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cụ thể, trong phần đầu về chính sách của Nhà nước đã khái quát đầy đủ được các chủ trương của Nhà nước nhằm đẩy mạnh hoạt động CGCN. Việc hạn chế, ngăn chặn thiết bị lạc hậu vào Việt Nam được thể hiện rõ ở Chương 2 với 6 Điều đã được Bộ KH&CN tiếp thu đầy đủ các ý kiến. Nhiều cơ chế, chính sách, nhiều quy định mới tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động CGCN. Sau khi Luật này ra đời, hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ đi nhanh hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: Một số xung đột giữa Luật CGCN với các Luật đã và sắp được ban hành như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý tài sản công..., Bộ KH&CN cần có sự phối hợp, trao đổi giữa các Bộ có liên quan để thống nhất và tìm biện pháp giải quyết.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các hướng tiếp thu, giải trình và các nội dung đã được chỉnh sửa của dự án Luật CGCN (sửa đổi); yêu cầu cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đảm bảo sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, đề nghị Ủy ban KH,CN&MT, Ủy ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&CN rà soát, sau đó chuyển cho các đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật CGCN (sửa đổi)./. 

ế
Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực