Điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng

Thứ ba, 12/12/2017 21:44
(ĐCSVN) - Tiếp tục Phiên họp thứ 19, chiều 12/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ

Trình bày tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng vốn điều chỉnh giảm giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 là 5.074,568 tỷ đồng, gồm: 3.776,867 tỷ đồng trình Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm; 448 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cắt giảm của dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La và 849,701 tỷ đồng Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giảm giai đoạn 2012-2015 nhưng chưa bổ sung cho dự án khác.

Về việc kéo dài thời gian giải ngân dự án của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tờ trình nêu rõ: Tại Nghị quyết số 939/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết nghị phân bổ từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2014 để thực hiện một số dự án cấp bách trong đó có Dự án đường 991B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, do quy mô và tính chất của dự án, đến ngày 28/10/2016 Dự án đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 2969/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư 3.951,412 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến là 9,73km. Do đó, tỉnh không kịp triển khai thực hiện số vốn kế hoạch đã được giao năm 2015.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Nghị quyết Số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội, Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 ngày 20/01/2014 và Nghị quyết số 736/NQ-UBTVQH13 đã tập trung bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, đến nay, theo Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 13/11/2017 của Chính phủ, sau rà soát cho thấy, một số dự án chưa giao hết kế hoạch vốn nhưng không còn nhu cầu sử dụng; một số dự án đã được giao kế hoạch và quá thời hạn nhưng không giải ngân hết vì không còn nhu cầu sử dụng vốn…

Bên cạnh đó, một số dự án chưa được bố trí đủ vốn, một số dự án ứng trước từ năm 2010 nhưng chưa bố trí được nguồn để hoàn ứng, một số công trình nợ đọng xây dựng cơ bản chưa bố trí nguồn vốn để thanh toán, nhiều địa phương không thực hiện đúng cam kết về bố trí vốn thuộc phần trách nhiệm của địa phương dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài…

Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc tổ chức thực hiện phân bổ vốn chưa đúng, quyết định tăng quy mô, chưa thu hồi vốn ứng trước, chưa thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản là chưa tuân thủ các Nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, là những tồn tại, thiếu sót kéo dài trong quản lý vốn đầu tư công thời gian qua. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này.

Báo cáo thẩm tra cũng đồng ý việc kéo dài thời gian giải ngân đối với Dự án 991B của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số vốn 800 tỷ đồng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2014, thời gian kéo dài đến 31/12/ 2018; hết thời hạn này dự án chưa giải ngân hết thì thu hồi về NSTW.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: "Trong khi nhiều công trình đang thiếu vốn, khát vốn, đang cần hoàn thành để đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng, của địa phương và cả nước thì nợ xây dựng cơ bản vẫn nằm ở đó. Nhiều nơi vốn đưa vào không có nhu cầu để dùng. Trong công tác lập dự toán và phân bổ nguồn vốn của ngân sách Trung ương, nguồn trái phiếu Chính phủ cũng chưa nắm hết tình hình".

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH đồng ý tổng vốn điều chỉnh giảm 5.074,568 tỷ đồng theo tờ trình của Chính phủ. Nhất trí phân giao số vốn cho một số dự án quan trọng, tuy nhiên chỉ phân giao đối với những dự án đáp ứng đủ tiêu chí, những công trình giao thông, thủy lợi cấp bách.

Đối với dự án Đường 991B, là dự án cấp bách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài dự án, tuy nhiên đề nghị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đảm bảo đến đúng 31/12/2018 phải hoàn thành việc giải ngân toàn bộ dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020.

Theo Tờ trình của Chính phủ, kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng  giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội là 7.300 tỷ đồng tại Báo cáo số 472/BC- CP ngày 19 tháng 10 năm 2016 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Tờ trình số 29/TTr-CP ngày 17 tháng 01 năm 2017 về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Kinh phí này được tính toán trên cơ sở số hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở là 282.948 hộ, trong đó có 110.876 hộ xây mới và 172.072 hộ sửa chữa. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại văn bản số 88/UBTVQH13-TCNS ngày 3 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho từng địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát và cập nhật số hộ gia đình người có công với cách mạng, tổng số hộ gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn 2016-2020 là 313.707 hộ, gồm 126.733 hộ xây mới và 186.974 hộ sửa chữa, cải tạo với nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 8.810 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 8.136,723 tỷ đồng, tăng 836,723 tỷ đồng so với số vốn đã báo cáo Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các địa phương (7.300 tỷ đồng) tại Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4  năm 2017. Mặc dù về tổng số tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tăng nhưng trong phương án phân bổ chi tiết cho từng địa phương, 05 địa phương (Hà Nội, An Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Tiền Giang) giảm 101,208 tỷ đồng so với số đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng đã giao cho các địa phương này.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, mức cắt giảm của một số địa phương khá cao như Tp. Hà Nội: 30 tỷ đồng, An Giang: 69,958 tỷ đồng. Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn lý do dẫn đến việc phải đề xuất điều chỉnh giảm đối với phần vốn hỗ trợ cho 5 địa phương này, bảo đảm thống nhất với các địa phương về chủ trương cắt giảm phần vốn đã bố trí để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, qua số liệu báo cáo cho thấy, số lượng các hộ gia đình thuộc diện cần hỗ trợ cũng như nhu cầu cần hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã có sự thay đổi đáng kể so với thời điểm Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định bố trí vốn cho nhiệm vụ này. Điều này thể hiện công tác quản lý, thống kê, tổng hợp số liệu để làm căn cứ phục vụ cho quá trình xây dựng dự toán, đề xuất tổng mức vốn cần hỗ trợ còn chưa nhất quán, chưa sát với tình hình thực tế.

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm, rà soát lại để bảo đảm chính xác, đầy đủ số liệu các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ trên phạm vi cả nước, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao vốn cho các địa phương để triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ gia đình người có công với cách mạng.

Về đề xuất cắt giảm và bổ sung phần vốn cắt giảm cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội: Ủy ban Tài chính -Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, việc Chính phủ đề nghị cắt giảm 101,208 tỷ đồng của 5 địa phương và bổ sung phần vốn cắt giảm này cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội là hợp lý, không làm thay đổi tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn và phù hợp với quy định tại Thông báo số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/4/2017 của UBTVQH về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại.

Tại phiên thảo luận, 100% thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ đề nghị cắt giảm 101,208 tỷ đồng của 5 địa phương và bổ sung phần vốn cắt giảm này cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực