Đổi mới cơ chế quản lý, tài chính trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ sáu, 02/06/2017 19:44
(ĐCSVN) – Hôm nay (2/6), Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã trình bày báo cáo tóm tắt về định hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm; định hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; định hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội, cải thiện ma tuý và chăm sóc người có công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: KS)

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, theo quy định Luật Việc làm năm 2013, tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm: các trung tâm dịch vụ việc làm (do cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội thành lập) và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Trong đó đến năm 2016, cả nước có 216 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và 98 trung tâm dịch vụ việc làm. Cơ chế quản lý hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển; các dịch vụ việc làm đã cung cấp cho người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Về cơ bản, công tác quản lý đã thực hiện tự chủ, phân cấp, phân quyền cho trung tâm, tạo điều kiện cho trung tâm thực hiện tự chủ về sử dụng nguồn tài chính, lao động, cơ sở vật chất…

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cả nước hiện có 1.989 cơ sở, trong đó công lập là 1.337 cơ sở, chiếm 67% (331 trường cao đẳng, 350 trường trung cấp và 656 trung tâm). Theo cơ quan quản lý, hiện có 166 cơ sở thuộc Bộ, ngành; 1.002 cơ sở thuộc địa phương; 160 cơ sở thuộc các tổ chức chính trị - xã hội và 9 cơ sở thuộc các doanh nghiệp nhà nước. 

Về thực trạng cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và hệ thống các cơ sở giáo GDNN công lập, từ năm 2017, Chính phủ đã thống nhất quản lý nhà nước về GDNN; hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động với các cơ sở GDNN được ban hành nhanh chóng, kịp thời, phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và cơ sở GDNN đã góp phần thúc đẩy đối mới cơ chế quản lý, điều hành cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản bước đầu rà soát lại chức năng nhiệm vụ, trao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy và nhân sự; quản lý chi tiêu tài chính theo quy định. Ngoài ra, nguồn lực giai đoạn vừa qua đã bước đầu phát triển theo hướng xã hội hóa (NSNN chiếm 60%; học phí chiếm 18%; thu từ dịch vụ sự nghiệp chiếm 14%; đầu tư, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chiếm 8%).

Sau khi nghe các báo cáo về công tác cơ chế quản lý, cơ chế tài chính tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao những định hướng cũng như giải pháp mà Bộ đã xây dựng thời gian qua. Đặc biệt, những kiến nghị, đề xuất của Bộ đã đáp ứng yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính hiện nay.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: KS)

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp do Bộ quản lý như: trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở trợ giúp xã hội... để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” thời gian qua. Đồng thời, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần đặt mục tiêu đổi mới và tổ chức lại mạng lưới cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần tinh gọn đầu mối, theo hướng thành lập các trung tâm “2 trong 1”, “3 trong 1” nhằm giảm nhân lực, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Về vấn đề tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước luôn ủng hộ và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoặc tiến tới tự chủ về tài chính. Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ với các đơn vị mà Bộ đang quản lý. “Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó quan trọng nhất là tự chủ tài chính. Nếu các đơn vị tự chủ được tài chính thì sẽ tự chủ được nhiều vấn đề khác”, Phó Thủ tướng lưu ý./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực