Đồng tình không giải quyết đơn tố cáo nặc danh

Thứ sáu, 16/06/2017 18:56
(ĐCSVN) - Chiều 16/6, tiếp tục kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu nhất trí sửa đổi Luật Tố cao nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Thảo luận về hình thức tố cáo, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quan điểm của Chính phủ là chỉ nên quy định 2 hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp; loại ý kiến thứ hai, đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như: Tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử…

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) lập luận, tố cáo phải giải quyết theo trình tự của luật, do đó tố cáo bằng hình thức điện tử hay fax là không thể xác định chính danh tính để bảo đảm quy trình, giải quyết cũng như trách nhiệm của người tố cáo.

Đại biểu đồng tình không giải quyết tố cáo nặc danh, bởi vì trong thời gian qua, tố cáo nặc danh không nhiều, lợi dụng là chính; đặc biệt. nếu chấp nhận tố cáo nặc danh sẽ không giải quyết được quy trình liên quan trách nhiệm của người tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đồng ý 2 hình thức tố cáo và không giải quyết tố cáo nặc danh vì thời gian qua, tình hình khiếu nại tố cáo rất phức tạp. Tố cáo có ghi rõ tên, địa chỉ cũng đã không xuể, nên đề nghị Luật chỉ nên tập trung giải quyết tốt số đơn có tính pháp lý cao như luật quy định là phải có tên tuổi, địa chỉ và trực tiếp. Chỉ khi nào có đủ điều kiện mới xem xét giải quyết.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng đồng tình 2 hình thức tố cáo như dự thảo Luật vì lo ngại dùng điện thoại di động, email, fax của người khác để tố cáo thì khi đó, giải quyết rất mất thời gian, làm mất uy tín, danh dự của người bị tố cáo. Mặc khác, tố cáo nặc danh cũng gây khó khăn cho cơ quan giải quyết tố cáo, trong khi thực tế, số lượng tố cáo nặc danh không có thật rất cao, lại không thể xử lý được người tố cáo sai vì những tố cáo này thường có vi phạm pháp luật, lại hay xảy ra vào dịp bầu cử, bổ nhiệm… gây ảnh hưởng lớn cho người bị tố cáo.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) lại cho rằng, về hình thức tố cáo nếu không chấp nhận các hình thức qua  email, fax…thì không thể xem xét toàn diện các nội dung tố cáo, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Người tố cáo sẽ dễ dàng đưa nội dung tố cáo lên mạng. Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định việc này. Cần đưa ra biện pháp đặc thù đối với từng hình thức tố cáo chứ không nên bỏ qua.

Ngoài ra, đại biểu Hồng Nguyên cho rằng, đơn tố cáo nặc danh cũng nên xem xét, vì thực tế, nhiều trường hợp người tố cáo sợ bị trả thù, thậm chí dùng xã hội đen trả thù.

Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cũng cho hay, mấu chốt là giải quyết chính sách về đất đai, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý đất đai mới giải quyết tốt công tác khiếu nại tố cáo. Đại biểu đồng tình không giải quyết đơn nặc danh, nhưng qua thực tế, nhiều địa phương tiếp nhận đơn nặc danh có kèm ghi âm ghi hình.

“Tuy chúng ta không xem xét đơn nặc danh nhưng cũng nên coi đây là thông tin cần xem xét và cần có quy định nguyên tắc xử lý trong trường hợp này, vì hiện việc trả thù người tố cáo rất phức tạp. Còn thư điện tử, fax, điện thoại di động thì cũng phải có danh mới xem xét” – đại biểu Phạm Trí Thức bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) nêu quan điểm, nên lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi thông qua.  Về quyết định bảo vệ người tố cáo, thực tế, nhiều trường hợp người có liên quan đến người tố cáo có thể là bạn bè, hàng xóm, thế nhưng quy định trong dự thảo Luật về bảo vệ người tố cáo không thấy quy định về đối tượng này. Vậy họ có được bảo vệ không? Thêm nữa, khi họ có yêu cầu được bảo vệ gửi tới cơ quan giải quyết tố cáo, công an nơi họ gửi yêu cầu thì những nơi này phải xác minh xem họ có căn cứ hay không? Có được áp dụng biện pháp bảo vệ hay không để xem xét. Đề nghị những quy định này phải ghi rõ trong Luật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đồng tình cần phải quy định rõ trong Luật quy chế bảo vệ người tố cáo. Việc tố cáo có thể làm ảnh hưởng đến công việc, uy tín, sức khỏe, danh dự, tính mạng,…đến người tố cáo và gia đình họ, nhưng quy định trong Luật không thấy liệt kê xem tình huống nào cần phải bảo vệ, dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng tinh thần người được bảo vệ.

“Việc bảo vệ người tố cáo dù thuộc trách nhiệm cơ quan nhà nước nhưng cũng phải quy định rõ ràng, mang tính khả thi. Để công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ người tố cáo được thực hiện tốt, cần có quy chế rõ ràng” – đại biểu Huỳnh Sang nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc bổ sung quy định “rút tố cáo”, bởi vì tố cáo là quyền của công dân; do đó, người tố cáo nhận thấy việc tố cáo không có căn cứ hoặc họ không muốn tiếp tục thực hiện quyền tố cáo thì việc chấp thuận cho họ rút đơn là cần thiết.

Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung quy định tuy người tố cáo đã rút đơn, nhưng trong quá trình xem xét, giải quyết nếu thấy việc tố cáo là có căn cứ thì cơ quan, người có thẩm quyền vẫn có trách nhiệm kiểm tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu người tố cáo cố tình tố cáo sai sự thật thì tuy có rút đơn vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật vì hành vi tố cáo sai sự thật.

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) với 80,86% số đại biểu tán thành./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực